Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện linh hoạt giữa nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội

Đình Hiệp| 08/11/2021 18:23

(HNMO) - Chiều 8-11, tiếp tục kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022...

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 8-11.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận.

Cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ thực hiện giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, đó chính là cải cách thủ tục hành chính.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Theo đại biểu, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cải cách nhiều nội dung cùng lúc thì cải cách thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ rào cản với môi trường kinh doanh và đời sống người dân, giúp cắt giảm chi phí, rủi ro mà người dân phải gánh chịu; tăng thu cho ngân sách, giảm chi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) bày tỏ lo ngại về bức tranh ảm đạm của kinh tế các tỉnh phía Nam, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương này được dự báo không đạt mục tiêu đặt ra, trong khi người dân mất việc làm, sụt giảm thu nhập, doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương này trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai).

Nêu thực trạng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng nghìn người mất việc làm phải về quê do tác động của dịch Covid-19, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) lý giải điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của nền kinh tế đang bị suy kiệt. Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, đại biểu đề xuất cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát; tăng cường trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.

Nhắc đến bối cảnh năm 2021, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, khi đợt dịch thứ tư bùng phát đã gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực. Vì thế, đại biểu kiến nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt trong phục hồi kinh tế, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, linh hoạt ưu tiên giữa nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các dự án trọng điểm quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, giải quyết dứt điểm các dự án yếu kém, chậm tiến độ làm tăng nợ công và làm giảm nguồn lực phát triển của quốc gia.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Có tình trạng thiếu lao động sau dịch Covid-19

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết, đã hơn 2 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát và cũng tại thời điểm đó, sinh kế cũng như việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tình trạng kiệt quệ về tài chính và khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu như chúng ta không có giải pháp hữu hiệu. Vì thế, Chính phủ cần khảo sát, đánh giá chính xác thực trạng xã hội để nhận thấy rõ nhất những khó khăn chúng ta phải đối mặt.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, đang có tình trạng thiếu lao động sau dịch Covid-19, đặc biệt là thất nghiệp ở địa bàn người lao động di cư đến. Vì thế, đại biểu đề xuất điều tra, nắm bắt mong muốn của người lao động để có những hỗ trợ cần thiết về nhà ở, việc làm, an sinh… Về lâu dài, đại biểu cho rằng cần bố trí lại lao động trong nền kinh tế, tại các khu vực.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) đánh giá, từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch vừa qua cho thấy, Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cần có chính sách và gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua. Đồng thời, ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng trọ, giúp công nhân an cư, lạc nghiệp, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh.

Bảo đảm tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho người dân

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 còn hết sức cam go, gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế - xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, đến nay, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình.

Thừa nhận những bất cập trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, nhất là khả năng ứng phó còn hạn chế của hệ thống y tế cơ sở cũng như những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, thời gian qua, chúng ta đã có chiến lược vắc xin hiệu quả. Đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng hợp đồng lên đến 200 triệu liều, đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều; đồng thời, đang đẩy nhanh tiến độ đưa vắc xin về nước trong cuối năm nay để tiêm cho người dân.

“Số lượng vắc xin hiện tại bảo đảm tiêm đủ cho người dân đến cuối năm nay. Đồng thời, chúng tôi đang triển khai việc tiêm mũi thứ 3 vào đầu năm 2022. Việt Nam là một trong 20 nước có số liều vắc xin tiêm chủng lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia. Cùng với đó, chúng ta đang đẩy mạnh tiến độ sản xuất vắc xin trong nước và chuyển giao công nghệ vắc xin”, Bộ trưởng cho biết.

Trước những bất cập về hệ thống y tế cơ sở thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đơn vị đang huy động vốn ODA để đầu tư cho hệ thống y tế xã, phường, thị trấn nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với hệ thống y tế cơ sở. Cùng với đó, Chính phủ cũng như Bộ Y tế sẽ tổ chức lại mạng lưới hệ thống y tế cơ sở; đầu tư, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, có cơ chế, chính sách để hỗ trợ lực lượng y tế cơ sở.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong phiên thảo luận, các đại biểu đã đề cập đến 5 nhóm nội dung chính gồm: Các chính sách an sinh xã hội, phát triển các trụ cột chính của an sinh xã hội - bảo hiểm xã hội, chăm lo cho đội ngũ y tế, kết quả triển khai các gói hỗ trợ và đào tạo nhân lực, nguồn lao động và chăm lo phục hồi thị trường lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình.

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hệ thống an sinh xã hội của nước ta thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Trong đó, chúng ta đã chủ động thực hiện các gói hỗ trợ kịp thời để giúp người lao động, người có công, người khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Nhận định đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau gần một tháng thực hiện linh hoạt các chính sách, tình hình thị trường lao động đã khả quan. Nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phục hồi 50-80% cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.

“So với nhu cầu đáp ứng đơn hàng thì chúng ta còn thiếu lao động, nhưng không đến mức trầm trọng nhờ các giải pháp kịp thời. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát thì hết quý I hoặc đầu quý II-2022, chúng ta có thể phục hồi thị trường lao động. Vì thế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường lao động, trong đó có hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đào tạo việc làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong ngày 8-11, đã có 60 ý kiến đại biểu phát biểu về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội, công tác phòng, chống dịch. Trong đó, chiều 8-11, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp thu trả lời các vấn đề được đại biểu quan tâm. Trong ngày 9-11, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về các nội dung theo chương trình của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện linh hoạt giữa nhiệm vụ phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.