Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Đề án 06 tại thành phố Hà Nội: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Tiến Thành| 28/07/2022 06:12

(HNM) - Để đạt được các mục tiêu theo Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), thành phố Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó, thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Thành viên Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà tư vấn, tuyên truyền các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số cho người dân phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Ảnh: Mai Hữu

Những kết quả tích cực

Theo Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố Hà Nội, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đến nay 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Tổ công tác Đề án 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở. Đáng lưu ý, nhằm triển khai 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay thành phố đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch vụ công với tổng số tiếp nhận và giải quyết hơn 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đối với 4 dịch vụ công còn lại, thành phố đã chủ động đề xuất phương án đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các bộ, ngành chủ quản.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu; tiếp tục duy trì, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện “làm giàu” thông tin công dân.

Quá trình thực hiện Đề án 06 đã có nhiều mô hình nhằm cụ thể hóa Đề án 06 trong đó, UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) thành lập 8 Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà tại 8 tổ dân phố, tiếp cận từng gia đình để hỗ trợ, tư vấn cho người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu và biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Vi (70 tuổi, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) cho biết, bản thân không thể tiếp thu và nắm bắt nhanh về các thiết bị hiện đại như giới trẻ. Tuy nhiên, bà được cán bộ phường đến tận nhà hướng dẫn cách sử dụng trên điện thoại di động nên đến lúc này cũng nắm bắt cơ bản cách sử dụng dịch vụ công trên điện thoại thông minh.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố nhấn mạnh, thành phố phải thực hiện xong việc tái cấu trúc các dịch vụ công thiết yếu chạy trên môi trường điện tử, trong đó đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền, truyền thông. “Các đơn vị phải thường xuyên hướng dẫn, vận động, làm sao để người dân và doanh nghiệp thấy được cái hay, sự tiện dụng của các dịch vụ công trực tuyến được triển khai trong đề án”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Công an xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) tích hợp thông tin vào căn cước công dân cho người dân. Ảnh: Mai Hữu

Chú trọng tuyên truyền 

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện tốt các nhiệm vụ thành phố giao, bảo đảm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội cho biết đang phối hợp hoàn thiện dự thảo, trình Thành ủy phê duyệt Chỉ thị về việc “Tăng cường, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, trong quý III-2022, đơn vị sẽ hoàn thành các quy trình, thủ tục đưa vào vận hành chính thức Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin “một cửa điện tử” của thành phố.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn thông tin, đơn vị sẽ nhanh chóng triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch đối với thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia áp dụng toàn địa bàn thành phố...

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, hiện Công an thành phố đã chỉ đạo một số công an quận, huyện và công an cấp xã phối hợp với các phòng nghiệp vụ, UBND các cấp xây dựng mô hình điểm theo đặc thù khu vực chung cư cao tầng, khu đô thị, khu dân cư tại nông thôn, khu tập trung đông công nhân tại khu công nghiệp… để hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn Thủ đô.

Nhấn mạnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính, theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Đình Cường, thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Đề án 06, trong đó tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai, thực hiện Đề án trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ trực tiếp giải quyết dịch vụ công cấp cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận. Mục tiêu là làm cho nhân dân hiểu đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, đến các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và quốc gia.

Với vị trí, vai trò của Thủ đô, Hà Nội đã và đang đi đầu trong các địa phương triển khai tốt, hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét trong cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Đề án 06 tại thành phố Hà Nội: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.