(HNM) - Mặc dù phải tập trung phòng, chống dịch Covid-19, nhưng các cấp, ngành, địa phương của Thủ đô vẫn đang tích cực triển khai 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Tuy nhiên, do không ít phần việc còn chậm, nên yêu cầu đặt ra trong triển khai thực hiện 10 chương trình nhiệm kỳ này là cần khẩn trương tăng tốc triển khai, cụ thể hóa các nội dung thành phần.
Chủ động, rộng khắp
10 chương trình công tác cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội được Thành ủy ban hành ngày 17-3-2021. Ngay sau đó, các cấp, ngành, địa phương đã chủ động, khẩn trương triển khai rộng khắp, trong đó nhiều nội dung đã được cụ thể hóa.
Tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì), thực hiện các chương trình công tác của Thành ủy và kế hoạch của Huyện ủy Ba Vì, Đảng ủy xã xác định trọng tâm cụ thể hóa là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Mặc dù đã đạt 95,5/100 điểm về các tiêu chí nông thôn mới, nhưng xã xác định phải tiếp tục nâng cao các tiêu chí về vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, phát triển nghề thuốc Nam… “Với sự quan tâm chỉ đạo từ thành phố, tôi tin rằng diện mạo nông thôn, đời sống nông dân Ba Vì sẽ ngày càng khởi sắc”, ông Hoàng Văn Đông, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì nói. Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh chia sẻ: “Thành ủy tiếp tục ban hành chương trình về xây dựng nông thôn mới thực sự là động lực đối với các xã vùng sâu, vùng xa rất khó khăn của huyện Ba Vì”.
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị ủy và các đảng ủy trực thuộc đã ban hành kế hoạch thực hiện 10 chương trình của Thành ủy. Là địa phương ban hành đầy đủ 10 kế hoạch thực hiện 10 chương trình của Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân thông tin, để bảo đảm việc triển khai 10 chương trình có hiệu quả, quận đã thành lập các ban chỉ đạo tổ chức thực hiện; xây dựng lộ trình thực hiện từng năm và tiến hành kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, đánh giá hằng năm và tổng kết vào cuối nhiệm kỳ…
Trong khi đó, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Hà Nội cũng đã có riêng kế hoạch về tuyên truyền 10 chương trình công tác. Các nội dung quan trọng nhất của 10 chương trình được chọn lọc, đưa vào kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy Đảng trong Khối tiếp thu, thực hiện.
Biến quyết tâm thành hiện thực
Không chỉ có các cấp ủy Đảng, các cơ quan thành phố, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể cũng đã chủ động triển khai thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy. Trong đó, UBND thành phố đã đề ra 303 nhiệm vụ trọng tâm thuộc 9 lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội gắn với 10 chương trình công tác của Thành ủy.
Thành đoàn Hà Nội cụ thể hóa bằng các kế hoạch riêng, tiêu biểu là kế hoạch hành động thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Ban đã có kế hoạch riêng để định hướng tuyên truyền sâu hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị thành phố về 10 chương trình công tác, trọng tâm là khơi dậy ý chí khát vọng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng quyết tâm biến những mục tiêu, chỉ tiêu thành hiện thực.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình triển khai các chương trình còn một số hạn chế cần khắc phục. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo thông tin, Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” có 34 nội dung thành phần, nhưng đến nay mới có 2 nội dung được hoàn thành và triển khai. Hầu hết các chương trình còn lại cũng đang có nhiều nội dung chưa được triển khai thực hiện.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, điểm nhấn khác biệt của 10 chương trình công tác nhiệm kỳ này là đi kèm với mỗi chương trình là các kế hoạch, đề án, đề tài, chuyên đề, dự án đã được cụ thể hóa nội dung, lộ trình, tiến độ, được phân công cho các cơ quan, đơn vị cụ thể. Đây cũng chính là trách nhiệm đặt ra đối với thành viên các ban chỉ đạo được phân công thực hiện các nội dung thành phần.
Quá trình xây dựng nội dung, ban hành 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII đều cho thấy sự đổi mới, quyết tâm; giờ là lúc đòi hỏi biến những quyết tâm chính trị đó thành hiện thực, để nhân dân Thủ đô cảm nhận được qua những kết quả cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.