Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy phát triển điện mặt trời

Thanh Hải| 22/04/2019 07:08

(HNM) - Với lợi thế ít gây ô nhiễm môi trường, không phát sinh các hệ lụy như thủy điện, nhiệt điện, khoảng 2 năm trở lại đây, các dự án điện mặt trời được đầu tư phát triển mạnh ở Việt Nam.


Dù xuất hiện khá muộn ở nước ta, nhưng đến nay đã có nhiều dự án điện mặt trời được quy hoạch và triển khai. Những địa phương có nhiều dự án điện mặt trời là: Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu…

Đặc biệt, sau khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg (ngày 11-4-2017), của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực, hiện đã có 365 dự án với tổng công suất 29.000MW được đăng ký đầu tư. Trong đó, có 141 dự án (chiếm gần 40%) được bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất trên 14.000MWp. Có 95/141 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Lý giải điều này, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết, các nhà đầu tư đang tập trung quá nhiều vào các khu vực có cường độ bức xạ lớn (tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Phước). Điều này gây sức ép lớn lên hệ thống lưới điện truyền tải và một số nhà máy sẽ không thể phát hết công suất, bởi thời gian để xây dựng lưới điện truyền tải cần 3-5 năm, trong khi thi công dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 1 năm.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), việc vận hành các nhà máy điện mặt trời sẽ gặp không ít khó khăn, do nguồn năng lượng này có tính không ổn định về công suất phát. Cụ thể, công suất nguồn năng lượng mặt trời thay đổi theo điều kiện thời tiết; các nhà máy trong cùng khu vực có xu hướng cùng biến động, dẫn đến sự thay đổi đồng thời một lượng công suất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định hệ thống.

Bên cạnh đó, từ tháng 6-2019, việc vận hành các nguồn năng lượng tái tạo phải bảo đảm yêu cầu không gây quá tải các đường dây, máy biến áp, dẫn đến sóng điện nhiễu ảnh hưởng đến lưới điện 110kV, nhất là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận...

Theo Tập đoàn EVN, số lượng các nhà máy điện mặt trời dự kiến đưa vào vận hành từ nay đến hết tháng 6-2019 là rất lớn (miền Bắc 6 dự án, miền Nam 54 dự án, miền Trung 28 dự án), gây khó khăn và áp lực lớn về tiến độ thử nghiệm, nghiệm thu, chưa kể một số thời điểm tình hình thời tiết không bảo đảm điều kiện để vận hành thử nghiệm. Để giải quyết những tồn tại này, EVN đã chủ động gửi công văn và hướng dẫn các chủ đầu tư, phối hợp sớm cung cấp tài liệu, phục vụ chuẩn bị đóng điện vận hành.

Đồng thời, A0 cũng tăng thời gian làm việc 3 ca, kể cả ngày nghỉ cuối tuần; sắp xếp nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao như Trung tâm Điều độ miền Trung, miền Nam. Để các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành đúng tiến độ, chủ đầu tư cần sớm cung cấp tài liệu kỹ thuật của dự án và đầu mối liên lạc cho các cấp điều độ theo quy định để phối hợp chuẩn bị đóng điện công trình; cập nhật thường xuyên tiến độ gửi cấp điều độ có thẩm quyền điều khiển...

Theo ước tính của EVN, sẽ có 100 dự án điện mặt trời kịp hoàn thành trước thời hạn 30-6-2019. Tuy nhiên, với một số địa phương như Ninh Thuận, do tập trung quá nhiều dự án điện mặt trời, nên gây khó cho chủ đầu tư trong việc theo kịp tiến độ. Để giải quyết những khó khăn này, Chính phủ đang có động thái gia hạn áp dụng giá mua điện ưu đãi đến năm 2020-2021 cho một số nơi.

Cùng với đó, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cam kết sẽ sớm ban hành quy định tạm thời về trình tự, thủ tục chạy thử, nghiệm thu. Các đơn vị của EVN cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành thương mại trước ngày 30-6-2019. Với các tín hiệu này, giới đầu tư nhận định dù còn nhiều thách thức, nhưng tương lai phát triển điện mặt trời tại Việt Nam vẫn nhiều hứa hẹn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển điện mặt trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.