(HNM) - Công trình xanh đang là giải pháp được nhiều nước trên thế giới hướng tới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe người dân. Cùng với xu thế chung, việc thúc đẩy phát triển công trình xanh đang được Việt Nam quan tâm triển khai trong nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng, hạn chế ô nhiễm không khí, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050...
Kết quả còn khiêm tốn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong những năm qua, ngành Xây dựng có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt khoảng 9%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa tính đến cuối năm 2021 đạt khoảng 40,5%, kéo theo áp lực về nhu cầu sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng. Ước tính, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm gần 35% tổng năng lượng của quốc gia. Các thành phố, các tòa nhà cũng chính là một nguồn phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm không khí.
Kết quả khảo sát và đánh giá thực tế của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới cho thấy, các công trình xây dựng tuân thủ Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả tiết kiệm được 15%-35% năng lượng so với các công trình được thiết kế và xây dựng theo cách thông thường.
“Việc tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng rất quan trọng. Thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng cũng là giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính mà Bộ Xây dựng đang tập trung thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, các công trình xanh (công trình được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm tiện nghi, chất lượng môi trường sống) tại Việt Nam xuất hiện đầu tiên vào giữa những năm 2000. Việc khuyến khích phát triển công trình sử dụng hiệu quả năng lượng, công trình xanh đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, hiện cả nước mới có hơn 230 công trình xanh (khoảng 6 triệu mét vuông sàn xây dựng). Công trình xanh tập trung ở các loại hình văn phòng, khách sạn, trường học, nhà chung cư, nhà máy sản xuất công nghiệp… Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Nỗ lực giảm phát thải
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Thực hiện cam kết trên, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh, Chính phủ đã ban hành chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030... Trong đó, ngành Xây dựng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực của ngành, như trong sản xuất vật liệu xây dựng, giảm tiêu thụ năng lượng tại các công trình xây dựng.
Ngoài ra, để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, khuyến khích phát triển công trình xanh, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả; hỗ trợ tài chính trong xây dựng công trình xanh...
Việc phát triển công trình xanh cũng đã được các doanh nghiệp, địa phương quan tâm triển khai. Tại Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nếu như thời điểm năm 2015, trên địa bàn thành phố chưa có công trình nào được cấp chứng chỉ công trình xanh, thì giai đoạn 2015-2020, xu hướng xây dựng các công trình, dự án xanh được quan tâm nhiều hơn. Nhiều chủ đầu tư dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, biệt thự...), công trình xã hội (trường học, bệnh viện) đã triển khai theo xu hướng xanh nhằm bảo đảm sự thân thiện với môi trường. Theo đó, giai đoạn này, thành phố Hà Nội có 10 công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh; 11 quy hoạch chung đô thị được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Mang lại nơi an cư với đầy đủ tiện ích đa dạng, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng coi trọng yếu tố “xanh, sạch” trong công trình nhà ở. Nhiều dự án nhà ở của HUD chú trọng thiết kế căn hộ tận dụng triệt để ánh sáng, thông gió tự nhiên, cân bằng yếu tố hiện đại và thiên nhiên “xanh, sạch” nhằm tiết kiệm năng lượng. Có thể khẳng định, xây dựng các công trình xanh là xu hướng phát triển bền vững, vì một quốc gia xanh và một thế giới xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.