(HNM) - Đã thành thông lệ, 6 năm qua, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội sách Hà Nội được tổ chức tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trở thành một điểm hẹn văn hóa quen thuộc với người yêu sách và những người làm sách.
Khác với các kỳ hội sách trước đây, Hội sách Hà Nội lần thứ VI - năm 2019 được tổ chức quy mô lớn nhất, thu hút nhiều đơn vị xuất bản uy tín trong và ngoài nước tham dự, với khoảng 200 gian hàng, gồm nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng, như: Sách thiếu nhi, văn học, văn hóa xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, ngoại văn, điện tử và thiết bị số… Đặc biệt, đến với Hội sách Hà Nội năm 2019, người yêu sách còn tìm thấy được “kho tri thức” về lịch sử, văn hóa, ẩm thực... của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Và với chủ đề “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình”, hội sách năm nay đã truyền đi thông điệp về Thủ đô Hà Nội hòa bình, hữu nghị, điểm đến thân thiện của bạn bè quốc tế; tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam và của người Hà Nội...
Mỗi năm, trên địa bàn Hà Nội diễn ra nhiều hội sách, nhưng rõ ràng, Hội sách Hà Nội đã ngày càng thể hiện sự phong phú, đa dạng và khẳng định được “thương hiệu” không chỉ với người dân Thủ đô mà còn là cơ hội để các đơn vị được giao lưu, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xuất bản.
Xã hội đang phát triển rất nhanh chóng, sự xuất hiện của mạng xã hội, công nghệ thông tin làm cho thói quen tiếp cận với tri thức của con người ngày càng thay đổi. Tuy nhiên, tầm quan trọng của sách vẫn không hề giảm sút và đem lại nhiều giá trị mới. Vì thế, hoạt động tôn vinh văn hóa đọc hay tổ chức những hội sách như Hội sách Hà Nội không mất đi sức hút của nó, càng đòi hỏi phải được nâng tầm hơn nữa, không chỉ ở quy mô, hình thức, mà còn ở những chủ đề, nội dung sách được giới thiệu.
Phát huy những kết quả đạt được từ Hội sách Hà Nội trong những năm qua, đồng thời tiếp tục hình thành thói quen đọc sách và văn hóa đọc nói chung trong mỗi người dân một cách bền vững, trước tiên, việc quảng bá sách cần được tăng cường, làm thường xuyên hơn. Hiện nay, những bài giới thiệu sách trên báo còn chưa nhiều, lại tản mạn. Bởi vậy, các nhà xuất bản trước khi phát hành sách cũng nên có kế hoạch quảng bá sách rộng rãi hơn, đa chiều hơn, trong đó cần ưu tiên trên môi trường mạng internet.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược nghiên cứu thị trường và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, để có kế hoạch xuất bản những cuốn sách đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc. Trong đó phải đặc biệt chú ý đến chất lượng nội dung của xuất bản phẩm. Hạn chế tối đa xuất bản những cuốn sách nội dung nhạt nhẽo, vừa tốn tiền và mất thời gian của độc giả.
Ngoài ra, đơn vị xuất bản cần mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài trong xu thế hội nhập quốc tế để giao lưu, ký kết, liên kết xuất bản và mua bán, trao đổi bản quyền, từ đó có những dòng sách đa dạng, phong phú hơn.
Xây dựng văn hóa đọc cho cộng đồng phải bắt đầu từ việc hình thành thói quen đọc sách ở trẻ em. Bởi vậy, cùng với nhà trường, khuyến khích đọc sách trong gia đình chính là việc làm vô cùng quan trọng. Các bậc phụ huynh cần định hướng cho con trẻ từ khi còn nhỏ để tạo thói quen, tình yêu cùng sách; rèn luyện cho con kỹ năng đọc sách và quan trọng là đọc sách có chọn lọc, phù hợp lứa tuổi.
Một lần nữa có thể khẳng định, Hội sách Hà Nội là dịp để bạn đọc tiếp cận với kho tàng sách quý, là nơi có thể tìm được những cuốn sách ưng ý. Với ý nghĩa đó, việc không ngừng nâng tầm vóc và sức hút qua mỗi kỳ hội sách không chỉ đưa hình ảnh Thủ đô vươn xa hơn mà còn thúc đẩy xây dựng văn hóa đọc, mở mang tri thức cho mỗi người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.