(HNM) - Trong hơn một thập kỷ qua, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam diễn ra sôi động, nhất là tại khu vực phía Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước đang tiếp tục ban hành chính sách thuận lợi để đẩy mạnh M&A tại Việt Nam.
Nói về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Masahiro Kotaka, Giám đốc điều hành KPMG Nhật Bản, người đã có 8 năm phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện M&A tại Việt Nam, cho biết: M&A được hiểu không chỉ là thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và lớn mạnh hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này.
Một thương vụ điển hình trong hoạt động M&A diễn ra mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh là việc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) mua lại chuỗi siêu thị Auchan (Pháp) từ cuối tháng 6-2019. Nói về quyết định đầu tư mua lại một thương hiệu nước ngoài, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Chúng tôi đánh giá đây là thương vụ chuyển nhượng tốt, bởi một số mặt bằng Auchan đang sở hữu nằm ở những vị trí đẹp. Việc mua chuỗi siêu thị Auchan sẽ giúp Saigon Co.op mở rộng chuỗi siêu thị của mình”.
Một thương vụ M&A khác đang được nhắc đến nhiều là việc Tập đoàn Tiki chính thức công bố mua lại 100% cổ phần hệ thống quản lý và phân phối vé sự kiện Ticketbox. Ông Trần Ngọc Thái Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tiki cho biết, Nhà nước rất cởi mở trong lĩnh vực này nên doanh nghiệp hầu như không gặp phải rào cản nào khi mua bán, sáp nhập.
Thống kê sơ bộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 7 tháng năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam lên tới 5,43 tỷ USD. Tính đến hết tháng 7-2019, trong 10 thương vụ M&A nổi bật nhất tại Việt Nam, có rất nhiều thương vụ diễn ra tại thị trường phía Nam. Đó là: SK Group (Hàn Quốc) mua cổ phần Vingroup và Masan; Saigon Co.op mua lại Auchan; Thaco mua cổ phần của Hoàng Anh Gia Lai; các thương vụ của Vingroup thâu tóm Achos và Fivimart... Ông Đỗ Tất Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến tổng giá trị thị trường M&A Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 6,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hoạt động M&A tại Việt Nam còn gặp một số trở ngại. Đó là: Chính sách xác định quyền và nghĩa vụ sử dụng đất sau mua bán và sáp nhập; vấn đề định giá doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa... Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc đại diện JLL Việt Nam tại Hà Nội cho rằng dù còn nhiều lý do, nhưng những vụ như Quốc Cường Gia Lai bị thu hồi 32ha đất dự án Bắc Phước Kiểng (thành phố Hồ Chí Minh) sau khi đã thực hiện mua bán với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận có thể đang gián tiếp gửi ra thị trường một thông điệp là hợp đồng có thể bị hồi tố với mức giá ngang bằng thời điểm mua, khiến các nhà đầu tư e dè hơn.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động M&A tại các dự án đất công còn phải chờ quyết định của Chính phủ. Ngoài ra các hoạt động M&A ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động mua lại doanh nghiệp có vốn cổ phần nhà nước tại thành phố cũng chưa được đẩy mạnh do đang có những sửa đổi về chính sách, pháp luật. UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phân tích các hoạt động M&A để có giải pháp phù hợp, nhằm thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
Ở cấp Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi... Ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Thời gian tới Chính phủ sẽ nghiên cứu chính sách thúc đẩy hoạt động M&A. Điển hình như Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tăng quyền và lợi ích của cổ đông, bảo vệ nhà đầu tư, thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư tại Việt Nam”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.