(HNM) - Tính đến hết tháng 8-2019, kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm, với nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Trước ý nghĩa, vai trò quan trọng của đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh việc giải ngân khi thời gian của năm 2019 không còn nhiều.
Kết quả đạt thấp
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến hết tháng 8-2019, kết quả giải ngân vốn ngân sách đạt hơn 161.271 tỷ đồng, chỉ bằng 41,39% so với kế hoạch được giao, bằng 37,92% dự toán năm (cùng kỳ năm trước đạt lần lượt là 45,57% và 44,24%). Trong đó, mới có 5 bộ, ngành và 8 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 60-80% kế hoạch (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh...); 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%. Đặc biệt, có 8 đơn vị tỷ lệ giải ngân rất thấp, dưới 10%, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tỉnh Đồng Nai...
Nguyên nhân chính của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm xuất phát từ một số bất cập trong công tác quản lý. Đơn cử là việc giao vốn chậm, ở cả cấp trung ương và địa phương. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trong việc chậm phân bổ hơn 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Một số tỉnh, như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình... lại chậm giao vốn cho các chủ đầu tư mặc dù nguồn vốn này đã được phê duyệt. Hơn nữa, theo quy định tại Luật Đầu tư công, việc giải ngân vốn từ năm trước được kéo dài sang đầu năm sau, nên những tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương thường tập trung giải ngân vốn kế hoạch năm 2018.
Đáng lưu ý, nguyên nhân chủ yếu và mang tính phổ biến là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án.
Ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) thông tin, phần lớn các dự án sử dụng vốn ngân sách đều liên quan đến hạ tầng, khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nên gặp không ít khó khăn. Thực tế này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn của dự án.
Hệ lụy của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm chậm tiến độ hoàn thành của dự án, công trình và tốc độ tăng trưởng kinh tế... Theo đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường, thông thường mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ thu hút thêm 5 đồng vốn từ xã hội. Nếu giải ngân vốn đầu tư công chậm tức là ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn vốn khác, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tình trạng giải ngân chậm dẫn đến tăng chi phí quản lý vốn, đồng thời kéo dài thời gian đưa dự án vào sử dụng, làm mất cơ hội khai thác. "Mặt khác, đây còn là vấn đề chấp hành kỷ cương, quy định, nên cần được đánh giá đầy đủ để đôn đốc, khắc phục sớm...", ông Ngô Trí Long nói.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trước thực trạng chậm trễ trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình văn bản để hủy kế hoạch giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án không giải ngân trước ngày 30-9-2019. Đồng thời, thực hiện điều chuyển vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn để tăng tốc độ hoàn thành. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.
Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, trình phương án để giao hết kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019. Điều chuyển, hoặc báo cáo Thủ tướng để điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân, sang dự án có khả năng giải ngân trước ngày 10-10-2019...
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các ngành, địa phương bám sát tình hình thực hiện, khẩn trương thanh toán vốn của từng dự án; đặc biệt tập trung hỗ trợ thủ tục nghiệm thu, thanh toán đối với dự án có thể hoàn thành trong năm 2019. Ngày 5-9, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp với các đơn vị liên quan đôn đốc tiến độ triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công... Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: "Yêu cầu về thời gian là rất gấp, chúng tôi đang chờ các bộ, ngành, địa phương báo cáo, tổng hợp tình hình để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng; đồng thời, chuẩn bị phục vụ hội nghị toàn quốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18-9-2019".
Từ góc độ địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án, trong những tháng cuối năm, thành phố sẽ tổ chức họp với các thành phần liên quan để kiểm điểm tiến độ triển khai dự án nhằm phối hợp tháo gỡ khó khăn; đồng thời thanh toán trong thời hạn 4 ngày kể từ khi có khối lượng cụ thể, tránh dồn việc này vào thời điểm cuối năm. Chủ đầu tư định kỳ báo cáo tình hình tiến độ dự án, giải ngân vốn trước ngày 25 hằng tháng.
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chọn những dự án trọng tâm để ưu tiên, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân. Ngoài ra, cần làm rõ và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu vì khi lãnh đạo quyết tâm sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, thực tế cho thấy, có một “tập quán” trong giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua là đầu năm “đủng đỉnh”, cuối năm “tăng tốc”. Vì vậy, đến hết năm 2019, kết quả giải ngân dự kiến có thể đạt 80-90% kế hoạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.