Thực tế cho thấy, nếu đổi mới sáng tạo đang trở thành một phong trào, sự lựa chọn tất yếu thì đổi mới sáng tạo xanh chính là một tầm mức cao hơn.
Đổi mới sáng tạo xanh bao gồm tất cả các loại hình đổi mới sáng tạo góp phần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình giảm tác hại, tác động làm suy thoái môi trường, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Đổi mới để bắt kịp thị hiếu tiêu dùng
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Hoa Cương cho biết, những năm gần đây, các nền kinh tế luôn nhấn mạnh lợi ích khi thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, cũng như tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế và trong nước. Đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng, do vai trò và tỷ trọng (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp) đóng góp, cũng như tác động to lớn của khu vực này đối với nền kinh tế.
Ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các doanh nghiệp quan tâm ở nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm... Tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng chuyển đổi xanh để bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được doanh nghiệp và chính quyền địa phương áp dụng, như kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch tái tạo, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh, giao thông xanh...
Khảo sát của một số cơ quan chức năng đã ghi nhận 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa có hoạt động đổi mới sáng tạo xanh tiêu biểu, nhờ nghiên cứu, triển khai thành công các mô hình xanh. Rõ ràng, dù là những đơn vị nhỏ nhưng kết quả ban đầu này đã khơi dậy phong trào đổi mới sáng tạo xanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng là những bài học kinh nghiệm, hun đúc tinh thần sẵn sàng hiện thực hóa đổi mới sáng tạo xanh trên diện rộng…
Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế (CIEM), đổi mới sáng tạo xanh sẽ giúp doanh nghiệp thu hút thêm nguồn đầu tư, sinh lời nhiều hơn từ chuỗi giá trị; tuân thủ tốt các quy định về bảo vệ môi trường, đóng góp vào phát triển bền vững; tăng năng suất và năng lực công nghệ...
Tập trung hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh
Thời gian qua, Nhà nước đã từng bước đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh. Khung chính sách chung thúc đẩy lĩnh vực này đã được hình thành, với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành. Nhiều tổ chức hỗ trợ được hình thành. Các nhóm giải pháp chính sách tài chính và chính sách phi tài chính được thúc đẩy, hỗ trợ tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh.
Song, nhìn chung chính sách, quy định về đổi mới sáng tạo xanh còn chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn. Chẳng hạn như chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định doanh doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh chủ yếu là chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng. Chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất…
Theo bà Đặng Thu Giang, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ - Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh toàn cầu và trong nước hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý và có sự hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng đổi mới sáng tạo xanh. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra sản phẩm dịch vụ xanh...
Để tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh ở Việt Nam, giới chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị thiết thực. Đó là, cần nghiên cứu quy định cụ thể về đổi mới sáng tạo xanh; tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động này trong doanh nghiệp.
Tiếp theo, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo xanh, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chính sách về thuế, tài chính, đầu tư; chính sách về thị trường, tiêu dùng; chính sách về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, cần có chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ bên cạnh việc khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh và những công cụ khác.
Cùng với đó cần chú trọng xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đẩy mạnh hoạt động này trên diện rộng. Trong đó tập trung vào những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển, đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học-công nghệ trong các doanh nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.