Chiều 3-12, kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tháng cuối năm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Thông tin về những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và những tồn tại cần khắc phục từ trong nước, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành đã chủ động có đối sách phù hợp, kịp thời, “cả hệ thống vận hành khá trơn tru”. Nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 đạt kết quả tốt, góp phần vào việc hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2018.
Thủ tướng biểu dương TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre đã có phương án tốt ứng phó với bão số 9 vừa qua.
Thủ tướng cũng ghi nhận việc tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo không khí sôi nổi, gần gũi, thi đua lao động sản xuất trong toàn dân tháng 11 vừa qua trên địa bàn cả nước.
Thông tin về những chỉ số đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế đối với kết quả tăng trưởng Việt Nam, Thủ tướng cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của Việt Nam đang phát triển tốt, niềm tin doanh nghiệp ngày càng mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Mặc dù vậy, Thủ tướng vẫn lưu ý không được chủ quan mà cần kiên định quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, xử lý các hạn chế tồn tại, bất cập…
Thủ tướng cũng chỉ ra những điểm hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: Giải ngân còn tồn tại ở các cấp, các ngành, địa phương. Cùng với đó là nhiều vấn đề yếu kém mà Quốc hội đã nêu ra như trên nóng dưới lạnh, xa dân, tình trạng tham nhũng vặt, sợ trách nhiệm, vấn đề an ninh, an toàn cho người dân…
“Điều quan trọng là phải có ý thức dân tộc quy tụ lòng người, đoàn kết tiến bước trong thời kỳ còn nhiều khó khăn thách thức”, Thủ tướng nói và đề nghị các cấp, các ngành, địa phương “kiên trì bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước; có khát vọng vươn lên ở các cấp, các ngành, lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và toàn dân”. Đổi mới tư duy, xóa bỏ những quan điểm cũ, lạc hậu, ỷ lại, trông chờ.
Hoan nghênh và khuyến khích mọi sự đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ làm giàu cho mình và đất nước, Thủ tướng nói và chỉ đạo, vấn đề này cần được chú trọng không chỉ trong tháng cuối năm 2018 mà cả năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Về những nhiệm vụ tháng cuối năm, Thủ tướng đặt ra 3 nhiệm vụ; trong đó nội dung quan trọng là hoàn thiện dự thảo Nghị quyết 01 với chất lượng cao nhất.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm tốt nhiệm vụ tổng kết năm theo hướng tránh bệnh thành tích, đánh giá thực chất, thấy được những tồn tại, bất cập, công tác phối hợp trong toàn hệ thống; phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm và có biện pháp thực hiện tốt hơn trong năm 2019.
Đối với công tác xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị kỹ các nội dung; tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện dự thảo theo hướng phát huy thành tựu đã đạt được và khắc phục những điểm còn hạn chế; khẳng định, “một tinh thần cách mạng, quyết tâm cao của Chính phủ” trong việc hoàn thành kế hoạch nhiệm vụ năm 2019 sắp tới.
Nhấn mạnh vai trò của Bộ trưởng, các Tư lệnh ngành, thành viên của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu xây dựng Nghị quyết 01 của Chính phủ trên tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết Quốc hội, của Trung ương, bám sát các nội dung, mục tiêu mà Quốc hội giao để có hướng phấn đấu cao hơn thành tích năm 2018.
“Mức phấn đấu tối thiểu phải là tăng trưởng GDP ở mức 6,8%”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu Nghị quyết phải giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn 2018 mà còn phải đảm bảo vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo chất lượng tăng trưởng.
Điều mà nhân dân mong muốn chúng ta đó là chất lượng tăng trưởng và xử lý những vấn đề bất cập của xã hội, Thủ tướng nói và mong muốn các bộ, ngành “phải có những đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, có khát vọng vươn lên”, nhất là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.
Về nhiệm vụ đảm bảo tốt Tết Nguyên đán 2019 cho nhân dân, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất kinh doanh dịp cuối năm; chú trọng lo Tết cho nhân dân về mọi mặt, nhất là về hàng hóa, quản lý giá cả; làm tốt việc hỗ trợ Tết cho người có công, gia đình chính sách.
Đi đôi với đó, cần chú ý đến nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông; mở các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Thủ tướng tán thành với đề nghị đẩy mạnh cải cách, xây dựng thể chế. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục yêu cầu tháo gỡ những vấn đề ràng buộc do thể chế, nâng cao chất lượng của thể chế; khắc phục các rào cản; đồng thời với đó là tổ chức nghiêm minh việc thực thi pháp luật trong phạm vi quốc gia.
“Những vấn đề liên quan đến dân cần thảo luận kỹ trước khi đưa ra lấy ý kiến”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng liên quan đến những nhiệm vụ cuối năm, Thủ tướng chỉ đạo cần làm tốt công tác đảm bảo cung cầu cho thị trường, khắc phục khâu yếu trong công tác phối hợp giữa quản lý thị trường và các ngành chức năng; đảm bảo nguồn vốn tín dụng, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của nền kinh tế dịp cuối năm.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”; đưa “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội. Trong vấn đề này cần nâng cao vai trò của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; đẩy mạnh kết nối lĩnh vực ngân hàng trong cơ chế một cửa quốc gia để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu quyết liệt chỉ đạo chống thất thu thuế, đảm bảo định mức thu đề ra; tăng cường kiểm tra giá phí, lệ phí dịp cuối năm; đôn đốc giải ngân 100% dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, đi đôi với phòng, chống lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, ngành Công Thương đảm bảo nguồn cung điện dịp cuối năm và năm 2019; kiên quyết không để tình trạng thiếu điện xảy ra; bên cạnh đó là chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phụ trách để tiến hành kiểm tra các địa phương có tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, và trực tiếp chủ trì giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.