Nói đưa cầu Long Biên đi chỗ khác để bảo tồn nghe hơi lạ... Thôi đừng dỡ cây cầu nữa. Cần bàn cụ thể việc xây cầu mới để dành cho đường sắt, cách cầu cũ bao nhiêu thì cần ngồi lại tính toán với nhau” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ sáng nay, 27/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe báo cáo về dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng than phiền việc thực hiện dự án quá chậm, quá nhiều tranh cãi, hội thảo nhưng chưa kết luận được. Một điểm mắc khi triển khai dự án là ở cầu Long Biên.
Đồ họa cầu đường sắt xây mới bên cạnh cầu Long Biên. Ảnh: VnExpress |
Trước đây, Thủ tướng đã đồng ý phương án làm cầu đường sắt mới vượt sông Hồng để phục vụ tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên thay cho đường sắt cũ chạy trên cầu Long Biên hiện nay. Tuy nhiên, mới đây Bộ GTVT phải đưa ra xin ý kiến về 3 phương án khác với ý kiến Thủ tướng về việc này vì những khó khăn tính tới trong giải phóng mặt bằng cho xây cầu mới.
Ông Thăng cho biết, Bộ GTVT thống nhất theo phương án trước đây đã được Thủ tướng đồng ý, đó làm cầu mới cách cầu Long Biên 30m. Theo ông Thăng, phương án này có chi phí thấp nhất, giải phóng mặt bằng ít nhất.
Bộ trưởng GTVT đề nghị Thủ tướng quyết định phương án xây cầu mới cách cầu cũ 30m như đã phê duyệt vì việc bảo tồn cầu Long Biên thế nào cũng là vấn đề phức tạp. Trong khi đó, phương án xây cầu mới cách cầu cũ 186m thì không thể giải phóng mặt bằng vì “đụng” tới hàng nghìn hộ dân phố cổ.
Kết luận vấn đề, Thủ tướng băn khoăn: “Lấy cầu cũ mang đi chỗ khác để bảo tồn nghe hơi lạ”. Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên cầu Long Biên. Theo đó, phía Pháp cũng muốn tài trợ Việt Nam để làm việc này.
“Đừng dỡ cây cầu nữa. Quan điểm của ta trước giờ vẫn là giữ nguyên phục hồi, sử dụng công năng phù hợp, làm cầu mới cho đường sắt. Còn làm cầu mới chỗ nào hay nhất, cách cầu cũ bao nhiêu mét thì cần bàn tính cụ thể cho sớm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.