Trước đây chúng ta có quan niệm “sống chung với lũ” nhưng bây giờ cũng phải quan tâm cả “sống chung với hạn, mặn”. Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải vừa chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu huy động, đa dạng hóa nguồn lực ứng phó với BĐKH. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh vấn đề này tại cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), ngày 19/4.
Cuộc họp với nội dung thảo luận các giải pháp lâu dài, trung hạn; tập trung đưa ra các giải pháp trước mắt, khắc phục hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn.
Tham dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia tư vấn.
Đánh giá cụ thể mức độ tác động của BĐKH
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2015, BĐKH tại nước ta diễn biến phức tạp, nhiều nơi. Nhiều địa phương trên cả nước có nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 40 độ C, mức nhiệt chưa từng xảy ra suốt vài thập kỷ trở lại đây, hoặc ở Sa Pa nhiệt độ đột ngột giảm sâu xuống còn 12,6 độ C vào giữa mùa hè.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Năm 2015, ước tính thiên tai đã làm 154 người chết, hơn 445.000 ha diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, tổng thiệt hại khoảng 8.114 tỷ đồng.
“BĐKH đang diễn biến khốc liệt tại Việt Nam và thực tế diễn ra nhanh hơn nhiều so với các dự báo”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo. “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 4-5 đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng cho rằng tác động của BĐKH sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Những ngày này, có nơi ở ĐBSCL nước mặn vào sâu tới 90 km.
Theo một số dự báo, BĐKH có thể kéo giảm GDP so với cùng cùng kỳ.
Đẩy mạnh phối hợp liên vùng trong ứng phó BĐKH
Thống nhất nhận định về mức độ nghiêm trọng của BĐKH đối với nước ta, ý kiến của các đại biểu cho rằng phải khẩn trương vào cuộc ứng phó BĐKH với các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Cụ thể, chúng ta cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo về BĐKH, thiên tai. Đầu tư cho công tác ứng phó BĐKH có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên dành vốn nâng cấp hệ thống thủy lợi ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cần xây dựng, ban hành kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu. Một số ý kiến cũng cho rằng, phải tập trung đầu tư, phát triển rừng, coi đây là kế hoạch dài hạn, bởi do BĐKH, nay nắng mai mưa, không thể hôm trước chống hạn, hôm sau lại chống lũ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải gắn ứng phó BĐKH với phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng; từng bước tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Tập trung đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng kinh tế trọng điểm để có thể phân bổ nguồn lực ứng phó một cách hiệu quả.
Phó Thủ tướng lưu ý việc phối hợp liên vùng trong ứng phó BĐKH và phải gắn nội dung này vào các chiến lược, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và đến từng dự án. Bởi dự án là hiện thực hóa các chiến lược, kế hoạch, là sản phẩm cuối cùng tạo ra sản phẩm cho xã hội và cần coi vấn đề BĐKH cũng là một tiêu chí trong thẩm định dự án, Phó Thủ tướng cho biết. Cần xây dựng các dự án về bảo đảm cho người dân chung sống với điều kiện nước biển dâng và bão lũ như dự án nhà ngập lũ ĐBSCL, nhà tránh bão lũ ở miền Trung đang được thực hiện.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Vừa chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả với BĐKH
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến góp ý, đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, hoàn thiện báo cáo về tình hình công tác ứng phó BĐKH thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ của Ủy ban.
Thủ tướng nhận định, công tác ứng phó BĐKH có chuyển biến tích cực. Nhận thức về BĐKH đã tốt hơn. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành trên 300 văn bản quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến BĐKH. Công tác hợp tác quốc tế, dự báo, đánh giá các kịch bản BĐKH được chú trọng. Nhiều công trình, dự án về ứng phó BĐKH được triển khai bước đầu có kết quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại như một số chính sách về ứng phó BĐKH chưa thực sự đi vào cuộc sống; dự báo về xu hướng, diễn biến tiêu cực của BĐKH chưa đúng mức, nhất là xu hướng bất thường, cực đoan khi hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống nhân dân, đặc biệt là ĐBSCL, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. BĐKH chưa được quan tâm lồng ghép trong xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH. Một số dự án đầu tư chưa có hiệu quả, còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cơ chế điều phối giải quyết vấn đề liên ngành, liên vùng còn bất cập. Nguồn lực cho ứng phó BĐKH hạn chế, phân tán, dàn trải, còn tình trạng “nóng đâu phủi đó”.
Trên tinh thần nhìn nhận các mặt được và chưa được, Thủ tướng nêu rõ đây là một thách thức lớn đối với nước ta, yêu cầu các cấp, các ngành phải thông tin để nhân dân thấy rõ mức độ cực đoan của BĐKH và quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về ứng phó BĐKH.
Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trước đây chúng ta có quan niệm “sống chung với lũ” nhưng bây giờ cũng phải quan tâm cả “sống chung với hạn, mặn”.
“Ứng phó BĐKH phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nêu rõ, đồng thời nhấn mạnh tinh thần “vừa chủ động thích nghi, vừa ứng phó hiệu quả” với BĐKH.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên cơ sở khoa học để phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Các bộ, ngành cần tính tới vấn đề BĐKH trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, phát triển ngành. Hạn chế sử dụng công nghệ lạc hậu, phát thải nhiều, ảnh hưởng đến môi trường. Phải chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. “Kinh tế, xã hội, môi trường là tam giác phát triển, môi trường là một trục phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu huy động, đa dạng hóa nguồn lực ứng phó BĐKH, trong đó ưu tiên cho các dự án, công trình trọng tâm như xây dựng, nâng cấp các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, củng cố nâng cấp đê biển, đê sông, khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông, khu vực xung yếu.
“Trong tình trạng BĐKH khốc liệt, nắng hạn gay gắt thì đầu tiên phải bảo đảm nước uống cho nhân dân. Không để người dân ốm đau, bệnh tật do thiếu nước”, Thủ tướng nhấn mạnh, đây chính là vấn đề cần tập trung nguồn lực. Phải tiếp tục kiểm tra, theo dõi việc khắc phục hậu quả xâm nhập mặn, hạn hán để có biện pháp xử lý tiếp theo, chứ không chỉ “giải quyết một ít gạo, nước là xong”.
Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh; nâng cao công tác dự báo; bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, rừng ven biển, đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong việc triển khai các chương trình ứng phó BĐKH.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện, cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng.
* Tại cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình các báo cáo Thỏa thuận Paris về khí hậu; tình hình triển khai kế hoạch ĐBSCL, dự án “chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSL”, kết quả nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.