Ngày 24-2, Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết, bà Yingluck Shinawatra đã rời khỏi Bangkok và hiện đang ở tại một địa điểm không xác định cách trung tâm thủ đô khoảng 150km.
Trong khi đó, sáng 24-2, một binh sĩ Thái Lan đã bị bắn vào đầu, trên đường làm nhiệm vụ ở thủ đô Bangkok. Cùng ngày, theo tin báo từ Bộ Y tế Thái Lan, đã có thêm nạn nhân thứ 3 thiệt mạng trong vụ nổ lựu đạn chiều 23-2 trước siêu thị Big C trên đường Ratchadamri ở Bangkok. Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut cho rằng, vụ tấn công ở Bangkok ngày 23-2 và vụ ở tỉnh Trat trước đó một ngày có liên quan với nhau với cùng mục đích thổi bùng bất ổn và đổ lỗi cho chính phủ. Từ khi biểu tình bùng phát ngày 30-11-2013 đến nay, đã có 19 người chết và 717 người bị thương.
Một số nguồn tin địa phương cho biết, trong những ngày gần đây, nhiều tay súng bí ẩn được huấn luyện một cách bài bản đã xuất hiện trên đường phố Bangkok và nổ súng yểm trợ cho người biểu tình chống chính phủ khiến cuộc khủng hoảng ở Thái Lan càng thêm bạo lực. Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban đã công khai thừa nhận sự hiện diện của những tay súng này mặc dù vẫn tuyên bố tìm cách lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bằng biện pháp hòa bình.
Cùng ngày, phe "áo đỏ" ủng hộ chính phủ đang lên kế hoạch sẵn sàng tiến hành biểu tình ở Bangkok để phản đối cuộc biểu tình chiếm đóng thành phố của phe đối lập. Hơn 4.000 người "áo đỏ" đã tập trung tại địa điểm cách Bangkok 300km để ký vào đề nghị tổ chức lại các cuộc biểu tình quần chúng chống lại các cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Các lãnh đạo phong trào "áo đỏ" ở tỉnh Chiang Mai đã đe dọa sẽ đưa các "biệt đội" đến Bangkok để chiến đấu nếu như bà Yingluck, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bị lật đổ một cách phi dân chủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.