Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Danh sách thành viên Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử và lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Phó Chủ tịch Ủy ban.
Các Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử gồm: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; ông Phạm Đức Long, Phụ trách Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; ông Nguyễn Hải Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT.
Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Danh sách lãnh đạo Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng.
Các Tổ phó gồm: Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác, thành lập các nhóm thuộc Tổ công tác, trưng tập thành viên và huy động chuyên gia.
Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển chính phủ điện tử.
Đồng thời, cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.