Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng phê bình 22 địa phương chậm cải cách thủ tục về đất đai

Theo Thành Chung| 26/05/2015 17:37

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tại sao 43 tỉnh thành khác người ta làm được hết mà 22 tỉnh, thành này không làm, chưa làm?

Sáng 26/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số Bộ, ngành liên quan về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nội dung chính tại buổi làm việc tập trung thảo luận các biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc để đến năm 2016 rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai còn không quá 14 ngày theo đúng Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2016.

Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, giảm chi phí cho các tổ chức và cá nhân.

Trong lĩnh vực đất đai, đến nay đã có 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp, qua đó giảm được 30 thủ tục hành chính liên quan.

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc


Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng đã bãi bỏ nhiều thủ tục, công việc không cần thiết trong giao đất, cho thuê đất và đăng ký, cấp giấy chứng nhận, nhất là tại cấp xã liên quan đến xác nhận tình trạng tranh chấp là nội dung gây nhiều ách tắc nhất trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cắt giảm gần 40% thủ tục hành chính không cần thiết trong lĩnh vực khoáng sản gắn với quy định rõ ràng trình tự, cách thức thực hiện các thủ tục, từng bước xóa bỏ cơ chế xin-cho và hướng tới đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản…

Một trong những vấn đề nổi lên là đến nay vẫn còn tới 49 tỉnh, thành phố chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp, trong đó tỉnh Quảng Ninh còn chưa lập đề án triển khai và như vậy tại các địa phương này người dân vẫn phải thực hiện tới 62 thủ tục hành chính các loại.

Đặc biệt là đến nay, cả nước vẫn còn 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa ban hành và công bố Bộ thủ tục hành chính về đất đai.

Trên cơ sở nhiều ý kiến đề xuất tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê bình các tỉnh, thành phố đến nay vẫn chưa ban hành và công bố Bộ thủ tục hành chính về đất đai và chưa triển khai Văn phòng đăng ký đất đai một cấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “…Công khai Bộ thủ tục hành chính về đất đai đây là Luật quy định. Bây giờ còn 22 tỉnh, thành chưa công khai thì việc chấp hành luật thế nào, mà không công khai là nhiều chuyện lắm. Trách nhiệm làm mập mờ, dễ tiêu cực, dễ này, dễ kia rồi gây khó khăn cho người dân. Tại sao 43 tỉnh thành khác người ta làm được hết mà 22 tỉnh, thành này không làm, chưa làm? Như vậy là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào? Không chỉ bộ thủ tục về đất đai, còn tài nguyên, khoáng sản, nước, môi trường cũng phải công khai. Hay việc 49 tỉnh, thành phố chưa thực hiện Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, có lợi cho người dân rất lớn tại sao không làm? Vừa quản lý chặt chẽ, vừa thuận lợi cho người dân mà tại sao không làm thì phải đôn đốc, kiểm tra, phê bình…”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn theo hướng công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng chống tiêu cực, tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp…

Thủ tướng yêu cầu từng Bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao đề cao trách nhiệm, coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, không kêu gọi hay làm theo kiểu chung chung mà hiện thực hóa bằng các văn bản pháp luật.

Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung rà soát hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách bằng các quy định cụ thể, lĩnh vực nào chưa có thì phải sớm ban hành, quy định nào không cần thiết, gây phiền hà, mất thời gian của người dân và doanh nghiệp thì phải kiên quyết bãi bỏ ngay, cũng như tính toán hợp nhất, liên thông trong quy trình xử lý thủ tục hành chính.

Các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức tự ý quy định thêm thủ tục và cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tài nguyên và môi trường gắn với tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia trong các lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có Chỉ thị giao việc phải làm cụ thể đối với từng Bộ, ngành và các địa phương trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tài nguyên và môi trường với quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19 của Chính phủ./.

- 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến nay vẫn chưa ban hành và công bố Bộ thủ tục hành chính về đất đai: An Giang, Bắc Giang, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Nam, Hải Dương, Hậu Giang, Kiên Giang, Lai Châu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Nam Định, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Sơn La, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Yên Bái.

- 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký đất đai một cấp: Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Thái Bình, Bắc Ninh, Tây Ninh, Vĩnh Long, Lào Cai, Lâm Đồng, Bình Dương và Gia Lai. 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại chưa đưa Văn phòng đăng ký đất đai một cấp vào hoạt động.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng phê bình 22 địa phương chậm cải cách thủ tục về đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.