Tối 17-5 (theo giờ địa phương), tại thành phố San Francisco, bang California, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đây là lần thứ 3 trong chuyến công tác này, Thủ tướng gặp mặt kiều bào.
Tại cuộc gặp, đại diện kiều bào chúc mừng những kết quả tốt đẹp trong chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn công tác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc.
Bà con cũng bày tỏ vui mừng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua, đặc biệt là phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tự tin mở cửa trở lại, chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bà con thông báo về tình hình sinh sống, học tập, làm việc tại Hoa Kỳ, theo đó cộng đồng người Việt tại đây đông, năng động, thành đạt trong các lĩnh vực. Đa phần người Việt tại Hoa Kỳ đều dành tình cảm tha thiết cho quê hương, kể cả nhiều người trước đây có những mặc cảm thì tới nay cũng có cái nhìn thiện cảm; hàng triệu người đã về thăm quê hương bản quán, chứng kiến những bước phát triển ngày càng phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, trở thành động lực tinh thần cho những người khác tiếp tục trở về.
Thời gian qua, rất nhiều tổ chức, cá nhân người Việt từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng trăm nghìn trang, thiết bị y tế và kinh nghiệm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", Thượng tọa Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại châu Mỹ, xúc động chia sẻ lại lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và điều này nhận được nhiều tràng pháo tay đồng tình, ủng hộ từ phía đồng bào.
Bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới, các đại biểu nêu nhiều kiến nghị, đề xuất, góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư và tạo điều kiện tốt hơn nữa để kiều bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và phát triển đất nước…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các đại biểu dự cuộc gặp; cảm ơn bà con đã thu xếp thời gian, công việc để tham dự sự kiện rất ấm áp này; bày tỏ chia sẻ với khó khăn, mất mát của bà con trong hơn 2 năm qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Thủ tướng nêu rõ, đại dịch càng khẳng định truyền thống của dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức lại càng quyết tâm, nỗ lực, càng đoàn kết, thống nhất, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi", và như lời cha ông ta đã nói: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng".
Dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới, Thủ tướng điểm lại hàng loạt vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, xung đột, cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng, già hóa dân số, những mặt trái của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Thế giới có những diễn biến mới, nhanh, khó dự báo, nhưng lại có tác động rất lớn. Trong bối cảnh đó, phải có tư duy phù hợp, bởi tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực mới.
Thủ tướng chia sẻ: "Có thể nói thế giới về tổng thể là hòa bình - về cục bộ vẫn có chiến tranh; về tổng thể là hòa hoãn - về cục bộ vẫn có căng thẳng; về tổng thể là ổn định - về cục bộ vẫn có xung đột". Những vấn đề toàn cầu đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương. Như trong đại dịch, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế như Hoa Kỳ, trong đó có sự đóng góp của bà con Việt kiều.
Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích về những định hướng, mục tiêu, giải pháp, những thành tựu phát triển đất nước sau 35 năm đổi mới. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
Về quan hệ đối ngoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng. Việt Nam cũng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Nói về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng nhắc lại bức thư năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry S. Truman ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập với lời đề nghị thiết lập bang giao, sẵn sàng mở cửa quan hệ với Hoa Kỳ, với thế giới. Quan hệ hai bên đã trải qua những thăng trầm và đột phá, năm 1995, hai nước bình thường hóa quan hệ; năm 2000 hai nước ký Hiệp định thương mại; năm 2013 thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Tuyên bố Tầm nhìn chung trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã khẳng định hai bên tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.
Chuyến thăm lần này của đoàn Việt Nam tiếp tục củng cố, đưa quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN cũng phát triển tốt đẹp khi các bên vừa cam kết nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của bà con Việt kiều nói chung và kiều bào tại Hoa Kỳ nói riêng vào những thành tựu chung của đất nước, vào quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nhân kiều bào ở nước ngoài ngày càng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư 376 dự án theo hình thức đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 1,72 tỷ USD. Trung bình mỗi năm kiều hối về Việt Nam đạt khoảng hơn 10 tỷ USD, trong năm 2021 đạt 12,5 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy cao độ, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam để xây dựng đất nước, không phân biệt người trong nước hay ở nước ngoài.
Thủ tướng mong muốn bà con luôn khỏe mạnh, sinh sống, làm việc, học tập ổn định, kinh doanh phát triển, luôn tự hào, giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của bà con; cho biết tại mọi cuộc tiếp xúc với lãnh đạo nước ngoài, ông đều đề nghị quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống, học tập, làm việc.
Thủ tướng giao các cơ quan xử lý các kiến nghị của bà con theo quy định với thủ tục hành chính nhanh nhất có thể, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu; nghiên cứu, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến xác đáng để có giải pháp phù hợp; với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tập hợp, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đây là hoạt động làm việc cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác tại Hoa Kỳ. Tối cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác rời thành phố San Francisco, lên chuyên cơ trở về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 đến 17-5-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.