(HNMO) - Từ 9h45 sáng nay (12-11), kết thúc phần các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Mở đầu phát biểu, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Qua thảo luận của Quốc hội và thực tiễn thời gian qua cho thấy, càng trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, một tài sản vô giá của đất nước, càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ, nhất là nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự yêu thương, đùm bọc và sức mạnh của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của nhân dân ta được thể hiện đậm đà, sâu sắc trong những ngày tháng gian khó phòng, chống đại dịch theo Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin chia sẻ, cảm thông sâu sắc với đồng bào, đồng chí về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất, nhất là với những gia đình mất người thân do dịch Covid-19; tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài
Đầu báo cáo, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính nêu tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thời điểm hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế - xã hội tháng 10 chuyển biến tích cực và có nhiều điểm khởi sắc hơn so với tháng trước. Công tác bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống người dân tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng; tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
“Tuy nhiên, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài. Tình hình kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng. Sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rất khó khăn, nhất là du lịch, lưu trú, vận tải...; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn lớn. Tình trạng thiếu lao động cục bộ và đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng cần sự nỗ lực rất lớn để khắc phục. Lao động, việc làm, đời sống tinh thần, vật chất của một bộ phận người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề...”, Thủ tướng Chính phủ nêu.
Tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch
“Trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta vận dụng phương châm và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Điều bất biến là đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân; ứng vạn biến là trong điều kiện diễn biến của dịch bệnh có phương pháp và cách tổ chức phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng Chính phủ nêu về định hướng Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thủ tướng nhấn mạnh việc chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022; tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.
Niềm tin chiến thắng trong khó khăn của dịch bệnh
Trong báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nêu các nội dung về việc bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các giải pháp phục hồi thị trường lao động; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Về vấn đề dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh, đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.
Với quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục; đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình…
“Trong lúc khó khăn nhất của dịch bệnh, chúng ta luôn có niềm tin chiến thắng, niềm tin ấy được thắp sáng bởi tinh thần đã đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa, đã thống nhất thì thống nhất hơn nữa trong nhận thức và hành động. Niềm tin ấy là động lực, là quyết tâm, là trách nhiệm của mỗi chúng ta để thực hiện thành công chủ trương vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Tập trung phát triển hạ tầng
Sau báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bắt đầu trả lời các chất vấn trực tiếp của đại biểu tại hội trường. Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn Hà Giang) đặt câu hỏi về việc đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp của Chính phủ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề mà thời gian qua nhiều đại biểu quan tâm và đã chất vấn. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng (cứng, mềm, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…), Thủ tướng cho biết trước hết chúng ta phải tổng kết, rà soát lại chính sách phát triển của Nhà nước thời gian qua đã làm được gì và trên cơ sở đó chúng ta xây dựng chiến lược phát triển quy hoạch hạ tầng cho phù hợp và gắn với các quy hoạch khác.
Trong đó, cần hoàn thiện thể chế, các quy định để có một hành lang pháp lý đủ mạnh nhằm phát triển hạ tầng; những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, Chính phủ hoặc vượt thẩm quyền để Quốc hội ban hành về mặt thể chế. Cùng với đó, chúng ta cần phân tích vì sao đầu tư công còn chậm, bao gồm cả nguyên nhân của trung ương và địa phương. Trong đó, nguyên nhân chính là do con người, vì thế cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó là huy động nguồn vốn để thúc đẩy phát triển hạ tầng, trong đó có nguồn vốn nhà nước và tư nhân, cùng công nghệ hỗ trợ, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện quản trị trong phát triển hạ tầng để không lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch.
Rà soát các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Về các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động trong thời gian tới được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn trong đại dịch được ban hành thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập.
“Trước hết, rà soát, đánh giá lại các chính sách đã thực hiện được, chưa được, nguyên nhân từ đâu, trên cơ sở đó rà soát lại các đối tượng, phạm vi, mức độ hỗ trợ làm căn cứ định ra một số chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, tránh được tiêu cực, trục lợi chính sách và bỏ sót đối tượng”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Giải quyết căn cơ hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long
Về câu hỏi giải quyết vấn đề dịch chuyển lao động ở đồng bằng sông Cửu Long của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, việc dịch chuyển thị trường lao động là điều bình thường, nhưng không bình thường là vấn đề quản lý nhà nước vẫn còn sơ hở. Khi dịch bệnh xảy ra, người dân dịch chuyển về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã gây áp lực cho các địa phương.
Về biện pháp giải quyết, trước hết Thủ tướng Chính phủ cho rằng Trung ương, địa phương cần phối hợp với nhau xem xét lại về năng lực y tế. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ các biện pháp nâng cao năng lực y tế cho các địa phương; tăng cường cung cấp vắc xin Covid-19... Bên cạnh đó, cần giải quyết an sinh xã hội, kêu gọi hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác giảm áp lực cho đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ xác định, giải pháp căn cơ ở đây là tạo sinh kế, công ăn việc làm là vấn đề quyết định. Trong đó, nút thắt căn cơ phải giải quyết là hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục. Chính phủ đã ban hành nghị quyết, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách giải quyết căn cơ 3 hạ tầng này để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. “Khi họ có công ăn việc làm rồi thì họ sẽ ở lại quê hương làm việc chứ không phải đi thành phố nữa”, đồng chí Phạm Minh Chính nói.
Tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch Covid-19
Trả lời đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) về kinh nghiệm rút ra trong chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ nêu tổng kết đầu tiên có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch. Từ đó, chúng ta triển khai các chính sách hướng đến người dân. Ngược lại, người dân cũng phải tham gia phòng, chống dịch tích cực, chủ động. Thực tế vừa qua, khi dịch bùng phát mạnh ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đã lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài phòng, chống dịch.
Các kinh nghiệm tiếp theo là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; ứng phó rất linh hoạt với dịch bệnh vì đây là việc làm chưa có tiền lệ; quan tâm và đầu tư dày công cho an sinh xã hội; huy động sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt công tác “ngoại giao vắc xin”; thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước…
Tạo đột phá để phục hồi phát triển kinh tế
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) đặt câu hỏi về thông điệp mang tính đột phá của Thủ tướng Chính phủ đối với kinh tế của đất nước thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng cho biết đây là một nội dung các đại biểu thảo luận rất nhiều thời gian qua. Trong đó, giải pháp đột phá là việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Cụ thể, định hướng quan trọng vẫn là nâng cao năng lực của hệ thống y tế. Thời gian qua, kinh tế tăng trưởng âm vì chúng ta phải chống dịch. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng sắp tới của chúng ta là phải nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, đồng thời xây dựng quỹ phòng, chống dịch và quỹ an sinh xã hội. Cùng với đó là tập trung hỗ trợ cho con người, trong đó chú trọng phát huy vai trò của con người trong sự phát triển của xã hội.
Theo Thủ tướng, hiện nay các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang phục hồi nhanh, song các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ cá thể còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, giải pháp đột phá nữa thời gian tới cần hướng đến là các đối tượng khó khăn này, qua đó bảo đảm hài hòa mục tiêu tăng trưởng ổn định, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nào để hiệu quả, tránh dàn trải. Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhân dân là chủ thể, trọng tâm trong sự phát triển
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ cương, phục vụ, hành động, vì nhân dân phục vụ, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là thông điệp của Chính phủ dựa trên kinh nghiệm, bài học; đồng thời kế thừa, phát huy những điểm mạnh của những nhiệm kỳ Chính phủ trước.
Thủ tướng cho biết, nội dung thông điệp này là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế; tăng cường liêm chính, kiểm tra, giám sát, phân cấp phân quyền trong cá thể hóa trách nhiệm; xây dựng các quy định, quy chế để kiểm tra, giám sát công việc theo trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu; nhân dân là chủ thể, trọng tâm trong sự phát triển của đất nước, do đó trên hết Chính phủ phải phục vụ nhân dân.
Có thể giao cho Hà Nội triển khai dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn Hà Nội) gửi đến Thủ tướng kiến nghị của cử tri về việc triển khai hai dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc và xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là hai dự án quan trọng mang tính chiến lược, song qua 2 thập kỷ triển khai thực hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đầu tư… Vậy, giải pháp của Thủ tướng thời gian tới đối với hai dự án quan trọng này là gì?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thủ tướng cho biết từ khi nhận nhiệm vụ đến nay Thủ tướng rất quan tâm và trăn trở với hai dự án quan trọng này. Thủ tướng cho rằng, trước đây, khi thể chế chưa cho phép thì chúng ta giao dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ thực tế kinh nghiệm triển khai của thành phố Hồ Chí Minh, các nước trên thế giới cũng như cơ chế cho phép, trên cơ sở kiến nghị của thành phố Hà Nội, Thủ tướng cho rằng nên giao dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho thành phố Hà Nội triển khai thực hiện thì sẽ khả thi hơn.
Đối với dự án xây dựng trường Đại học quốc gia Hà Nội, Thủ tướng cho rằng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như bố trí vốn (khoảng 2-3 nghìn tỷ vốn trung hạn). Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới nội dung chương trình và cơ chế quản lý của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ, trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng. Cùng với 4 bộ trưởng chịu trách nhiệm trả lời chính, đã có 13 ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Trong 2,5 ngày, đã có 171 lượt ý kiến của đại biểu, trong đó có 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi cho Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt đại biểu tiến hành tranh luận để làm rõ hơn vấn đề. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, là kỳ họp đầu tiên của khóa XV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, hoạt động này đã có nhiều đổi mới; các đại biểu Quốc hội đã nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát vấn đề, thẳng thắn tranh luận, đáp ứng niềm tin, sự mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã trả lời với tinh thần trách nhiệm cao, không né tránh những vấn đề phức tạp; đồng thời, nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế; đưa ra những cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đã đúng và trúng, phù hợp với thực tế, được cử tri và dư luận cả nước quan tâm, đánh giá cao, bao trùm hai vấn đề lớn: Thực trạng, kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua và chiến lược tổng thể phòng, chống dịch trong thời gian tới để bảo đảm yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và không để dịch bệnh bùng phát trở lại; việc ban hành và tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và thời kỳ hậu đại dịch…
“Điều đó một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn lan tỏa cảm hứng hành động, sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát”, đồng chí Vương Đình Huệ nói. Sau phiên họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề vừa được chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại cuối kỳ họp làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.