Sáng 15-12, tại TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp nhận Quyết định chủ trương đầu tư, văn bản ghi nhớ cam kết đầu tư vào tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN |
Tại sự kiện, UBND tỉnh An Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án ở 5 lĩnh vực: Nông nghiệp; thương mại - dịch vụ - du lịch; công nghiệp; xây dựng - đô thị; y tế; trao cam kết đầu tư cho 9 nhà đầu tư, với tổng vốn dự kiến trên 132.000 tỷ đồng.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới. Đây cũng là địa phương được Chính phủ chọn là một trong 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ).
Thủy sản được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, với tổng diện tích thu hoạch 2.700ha/năm, sản lượng đạt trên 379.000 tấn/năm. Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp, với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất thiết kế 400.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có hơn 100 cơ sở chế biến khô các loại với công suất tiêu thụ nguyên liệu thô trung bình 30.000 tấn/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đầu tư, sản xuất thành công ở An Giang với nhiều công nghệ vượt trội được ứng dụng, giá trị sản phẩm không ngừng được tăng cao.
Khái quát một số quan điểm chiến lược về sự phát triển của An Giang cũng như vai trò của tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng nêu rõ: An Giang không những là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông - thủy sản chiến lược, nguồn chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, lúa gạo, cá da trơn toàn cầu… mà tỉnh cần tích cực thu hút đầu tư, lôi kéo những doanh nghiệp tầm cỡ và từ đây phát triển những thương hiệu toàn cầu về nông sản Việt, gắn với những yếu tố đặc thù của địa phương.
Thủ tướng đề nghị, An Giang cần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt lưu tâm 2 vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Qua đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao nền tảng công nghiệp chế biến sâu, tương xứng với tiềm năng và lợi thế tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản, nông sản, hướng tới nông nghiệp 4.0.
Nhấn mạnh đến yếu tố liên kết vùng, Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng “phải tìm bằng được các cơ chế chính sách hợp tác hữu hiệu và thực chất”.
Thủ tướng cũng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang cần tăng cường bảo tồn gìn giữ để phát triển du lịch địa phương. “An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh du lịch Mê Kông, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của Đồng bằng sông Cửu Long. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp quyết tâm làm ăn bền vững; thực hiện tốt tam giác phát triển kinh tế - xã hội và môi trường tại địa phương.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ bảo đảm thực thi Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định, tạo môi trường đầu tư không chỉ cho nhóm đầu ASEAN mà cho nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế của Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn An Giang sẽ phát huy lợi thế so sánh, chú trọng vào những lợi thế cạnh tranh mềm và hạ tầng mềm đến từ môi trường kinh doanh, chất lượng thể chế, nguồn nhân lực, năng lực quản trị nhà nước để trở thành một trong những hình mẫu thành công trong tư duy phát triển theo chuỗi giá trị và cụm ngành.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đã công bố với các nhà đầu tư, doanh nghiệp định hướng quy hoạch giao thông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.