Mở đầu chuyến công tác tại Thanh Hóa, chiều 22-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm các Vua và Hoàng hậu thời Lê Sơ tại Thái miếu trong Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Sau 10 năm (1418-1428) kháng chiến đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ thịnh trị cho đất nước kéo dài gần 360 năm. Lam Kinh là nơi an táng 6 vị vua và 2 Hoàng Thái hậu.
Trải qua biến thiên của lịch sử, hiện nay di tích còn lại 6 khu lăng mộ, có 5 mộ các vua và 1 Hoàng Thái hậu. Mặc dù các công trình kiến trúc từ ngàn xưa đến nay không còn nhiều, nhưng chứa đựng những ý nghĩa giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến năm 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo. Từ đó đến nay nhiều hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi, tránh được sự hoang phế, bảo vệ được nhiều di tích, di vật cổ thời Lê.
Đến nay, hầu hết các công trình hạng mục trong khu di tích đã được nghiên cứu khai quật khảo cổ học 7 đợt, cung cấp nhiều tài liệu có giá trị, làm rõ được hình hài của những di tích bị vùi lấp, bảo vệ được những di tích gốc đang có nguy cơ bị hủy hoại, ngăn chặn được tình trạng hoang phế, đang từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa.
* Rời Khu di tích Lam Kinh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn tới thăm mô hình sản xuất của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, tiền thân là Nhà máy đường Lam Sơn tại xã Thọ Xương (nay là thị trấn Lam Sơn), huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nhân dịp này, Thủ tướng đã tới thị sát công trình Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.