Tôi mong muốn Nam Định phải đi trước về xây dựng nông thôn mới để người dân có cuộc sống tốt hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định sáng nay, 8/6.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Nam Định phải đi trước về xây dựng nông thôn mới để người dân có cuộc sống tốt hơn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định đã khởi sắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tốt hơn, 54% xã đạt chuẩn nông thôn mới. “Tôi nghe báo cáo rằng tỉnh Nam Định xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là rất đáng khích lệ”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Nam Định vẫn là tỉnh nghèo, còn gặp nhiều khó khăn và yêu cầu tỉnh phải có giải pháp đồng bộ, tạo cú hích cho phát triển. Cú hích đó không phải là tập trung phát triển bằng việc phá đất lúa để làm công nghiệp mà làm sao phải có giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, để “vẫn giữ đất lúa mà vẫn phát triển mạnh”; cần có giải pháp tích tụ ruộng đất, đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Tỉnh cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư tốt hơn; phát triển khu kinh tế tập trung.
Tỉnh cần nỗ lực cùng cả nước thực hiện vượt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2016, trong đó, chú trọng công tác giải ngân bởi “đây chính là một giải pháp phát triển”; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
“Tỉnh phải khởi nghiệp mạnh mẽ hơn. Một đất học mà khởi nghiệp còn ít quá, chỉ có 6.000 doanh nghiệp trên 2 triệu dân. Phải phấn đấu gấp 2-3 lần con số này”, Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn, trước năm 2020, Nam Định phải trở thành tỉnh nông thôn mới.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh chú trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, tự do tôn giáo, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường.
Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh Nam Định, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền. Đối với một số dự án đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải đa dạng hóa nguồn vốn, huy động vốn xã hội hóa. Thủ tướng đồng ý việc tỉnh thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở không tăng biên chế.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo báo cáo của tỉnh Nam Định, tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua chuyển biến tích cực, với nhiều điểm sáng về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, năng lực cạnh tranh, giáo dục-đào tạo. Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh 2010) ước 6 tháng đầu năm đạt 17.500 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 12.000 tỷ đồng. Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 29 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 293 tỷ đồng và 80 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác đạt 102 triệu đồng/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 16 bậc so với năm trước, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố. Lĩnh vực giáo dục-đào tạo giữ vững thành tích 21 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.
Tại cuộc làm việc, tỉnh Nam Định có một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương xem xét, như sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn để triển khai, thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, xây dựng khu trung tâm lễ hội thuộc dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích, lịch sử văn hóa Trần triều-Nam Định; sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa (đoạn qua tỉnh Nam Định dài khoảng 70 km)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.