Chính quyền của chúng ta phải cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ, tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn, tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo”, Thủ tướng nói.
Chiều nay, 28-2, tại TP. Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa.
Theo báo cáo do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh trình bày, Khánh Hòa có tiềm năng lớn để phát triển du lịch-dịch vụ. Năm 2016, toàn tỉnh đón 4,5 triệu lượt khách với doanh thu du lịch đạt khoảng 13.000 tỷ đồng. Nha Trang, Khánh Hòa được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch-dịch vụ lớn của cả nước.
Tuy nhiên, thành phố Nha Trang trong thời gian qua, với số lượng khách du lịch tăng đột biến, kết hợp với đặc thù về địa lý hành chính, dân cư, làm cho cơ sở hạ tầng giao thông bị quá tải, gây ra tình trạng ách tắc giao thông, đặc biệt trong các ngày lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần.
Lượng khách đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã gia tăng đột biến thời gian qua, dẫn đến tình trạng quá tải. Năm 2016 là 30.500 lượt, tăng 66% so với năm 2015 và dự kiến năm 2017 là 36.000 lượt.
Ga Nha Trang hiện nằm trong khu vực trung tâm thành phố, với số lượng tàu ra vào ga có tần suất lớn nên thường xuyên gây ùn tắc và mất an toàn giao thông...
Ủng hộ hướng đi nhằm vào du lịch của Khánh Hòa, ý kiến các thành viên đoàn công tác cho rằng đây là hướng đi bền vững. Tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển và du lịch với công nghiệp và dịch vụ chiếm 90%. Do đó, tỉnh phải lưu ý kiểm soát, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; phát triển kinh tế nhưng không “hy sinh” môi trường. Các ý kiến cũng tập trung góp ý vào quy hoạch của Khánh Hòa, nhất là quy hoạch thành phố Nha Trang, cũng như một số biện pháp để tỉnh thu hút thêm nguồn lực cho phát triển.
Nhấn mạnh tinh thần chủ yếu tạo cơ chế hơn là cho vốn khi mà ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng đã chỉ ra một số mặt được cũng như tồn tại, bất cập của Khánh Hòa.
Theo Thủ tướng, tỉnh có nhiều lợi thế, như kinh tế biển, du lịch, thủy sản, nguồn nhân lực, hạ tầng khá toàn diện (có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ).
Tỉnh đã chọn hướng đi tốt với tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 90%. Tỉnh đã quan tâm công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, nhất là cho du khách, thu ngân sách.
Tuy nhiên, về khó khăn, thách thức, mặc dù tỉnh có sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt… nhưng mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng với sự phát triển của các ngành kinh tế đang là vấn đề đặt ra. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt, cần cố gắng hơn như kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ giảm nghèo, du lịch phát triển nhanh mới chiếm 10% GDP.
Trong quản lý còn nhiều bất cập, chưa trở thành hình mẫu về phát triển du lịch bền vững. Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, các chỉ số còn ở mức thấp.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nói: Chúng ta phải đặt vấn đề Khánh Hòa phát triển mạnh thì đóng góp cho miền Trung và cả nước phát triển. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung phát triển cả 3 mũi theo thứ tự là du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.
Thủ tướng đề nghị phải tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, giải pháp đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương thì UBND tỉnh cũng cần có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này, để sự chỉ đạo đồng bộ hơn.
Khánh Hòa phải tiếp tục phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế. Phải phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 25.000- 30.000 doanh nghiệp.
“Muốn phát triển nông nghiệp nông thôn thì phải đưa doanh nghiệp vào, củng cố hợp tác xã. Nếu để hộ nhỏ lẻ, từng mảnh ruộng nhỏ lẻ thì chỉ thoát nghèo được chứ vươn lên làm giàu thì khó khăn”, Thủ tướng nói.
Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy chính quyền với tinh thần xây dựng Khánh Hòa là hình mẫu của chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, với người dân. Phải phấn đấu lọt vào tốp đầu trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
“Chính quyền của chúng ta phải cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ, tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn, tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho rằng trong báo cáo tỉnh ít đề cập đến vấn đề xã hội hóa ,Thủ tướng nêu rõ, phải đẩy mạnh công tác này, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong tất cả các lĩnh vực; đồng thời quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Xã hội hóa cả trong hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành chức năng xem xét việc bố trí vốn mồi để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư làm đường ven biển qua Khánh Hòa để người dân hưởng lợi.
Bên cạnh đó, trong phát triển, tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đây là việc lớn mà Khánh Hòa cần phải tập trung, trước hết là tập trung vào 2 lĩnh vực Khánh Hòa có thế mạnh là kinh tế biển và du lịch. Phải đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực phát triển của Khánh Hòa. “Tôi đưa ra yêu cầu là các đồng chí đến năm 2020 phải thu hút ít nhất trên 10 triệu khách, trong đó phải có trên 3 triệu khách quốc tế. Du lịch phải đóng góp từ 15 – 20% GDP của địa phương”.
Tỉnh cần tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ hơn, nghiên cứu xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ du lịch. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Phải nghiên cứu lại hướng phát triển công nghiệp Khánh Hòa làm sao không ảnh hưởng đến môi trường và có chiến lược phát triển hàng lưu niệm phục vụ du lịch. Lưu ý phát triển công nghiệp quốc phòng, hậu cần quốc phòng gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.