(HNMO) - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm đầy tính xây dựng với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Nga ngày 11-1-2020. Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại sau thời gian dài căng thẳng.
Năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Mátxcơva cũng đáp trả bằng nhiều biện pháp khiến các nước EU, trong đó có Đức, chịu thiệt hại nặng nề. Vì vậy, việc hai nhà lãnh đạo gặp gỡ lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy ở Paris (Pháp) cho thấy hai bên đang nỗ lực xích lại gần nhau.
Trong bầu không khí cởi mở, hai nhà lãnh đạo dễ dàng đạt đồng thuận về hàng loạt vấn đề nổi cộm ở khía cạnh song phương và quốc tế. Trong đó, nổi bật là dự án đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2. Thủ tướng A.Merkel tuyên bố Đức phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào dự án này, đồng thời khẳng định Berlin và Mátxcơva sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ kinh tế tích cực. Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Putin tin tưởng Mátxcơva có thể tự hoàn thành dự án, song cũng thừa nhận khả năng tiến độ sẽ bị chậm vài tháng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021.
Về các xung đột đang diễn ra trên thế giới, hai nhà lãnh đạo nhất trí quan điểm giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại và các kênh ngoại giao. Đây là sự lựa chọn hợp lý bởi nếu xảy ra các hành động quân sự trên quy mô lớn, nhất là tại Trung Đông, sẽ là thảm họa đối với toàn thế giới. Làn sóng người di cư không chỉ ồ ạt tới châu Âu mà còn đến các khu vực khác, gây ra thảm họa nhân đạo và kinh tế. Đề cập tới Ukraine, Thủ tướng A.Merkel và Tổng thống V.Putin nhất trí cho rằng các thỏa thuận Minsk vẫn là cơ sở không thể thay thế để giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước này.
Liên quan đến Iran, hai bên đã nhắc lại sự cần thiết phải duy trì thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015. Đối với cuộc chiến Syria, ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Nga và Đức chia sẻ quan điểm cần chấm dứt chiến tranh thông qua các biện pháp chính trị, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cuộc khủng hoảng tại Libya cũng là nội dung được đề cập trong thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Thủ tướng A.Merkel tuyên bố hòa đàm Libya sẽ được tổ chức tại thủ đô Berlin dưới sự chủ trì của Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ hy vọng những nỗ lực chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới thành công. Sáng kiến trên đã nhận được sự ủng hộ của Tổng thống V.Putin với nhận định tình hình Libya đang tác động xấu tới ổn định của khu vực cũng như châu Âu.
Kết quả thuận lợi của cuộc gặp lần này cho thấy Berlin và Mátxcơva đã tìm được tiếng nói chung trong rất nhiều vấn đề. Điều đó đem lại lợi ích cho cả hai bên trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp. Việc hợp tác với Đức sẽ giúp Nga có hướng giải quyết cho nhiều khúc mắc với châu Âu, giảm bớt sức ép mà Mátxcơva đang trải qua suốt 5 năm sau khi quan hệ với phương Tây rơi vào căng thẳng. Mặt khác, sự ủng hộ từ quốc gia đầu tàu EU còn giúp Nga duy trì thế cân bằng chiến lược trong các vấn đề quốc tế. Ở chiều ngược lại, quan hệ gần gũi hơn với Mátxcơva không chỉ giúp Berlin giảm bớt gánh nặng về năng lượng, mà còn giữ được vị thế trước Mỹ trong việc đưa ra quyết định về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như EU.
Vì vậy, chuyến công du lần này của Thủ tướng A.Merkel không chỉ tái khởi động quan hệ Nga - Đức mà còn tạo tiền đề để chính quyền của Tổng thống V.Putin mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ với EU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.