(HNM) - Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 24-9 bắt đầu chuyến công du vùng Vịnh. Chuyến đi không chỉ củng cố quan hệ hợp tác với các quốc gia khu vực, mà còn nhằm tìm kiếm thỏa thuận hợp tác năng lượng mới, giúp mở lối thoát cho nền kinh tế. Đồng thời việc này cũng nhằm sẵn sàng để kinh tế Đức bước vào quỹ đạo phát triển mới, xanh và ổn định hơn.
Chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng đại diện nhiều ngành công nghiệp lớn kéo dài 2 ngày, tới Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar. Mặc dù Berlin nêu rõ mục tiêu hàng đầu của chuyến công du là tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư, nhưng giới phân tích nhận định đây chính là động thái đầy quyết tâm trong việc giải “bài toán khó” năng lượng thông qua những thỏa thuận quan hệ đối tác năng lượng mới với các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ và khí đốt.
Tại Saudi Arabia, ông O.Scholz gặp Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Quốc vương Salman trong ngày 24-9. Ngoài tìm kiếm nguồn cung, Berlin còn muốn mở rộng hợp tác về công nghệ năng lượng mới, như hydro xanh. Mặc dù Saudi Arabia không phải là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn, nhưng nước này đang đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ sản xuất hydro xanh và Đức sẽ là một trong những khách hàng quan trọng.
Sau Saudi Arabia, ngày 25-9, ông Scholz đến Abu Dhabi và gặp Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan. Không chỉ là đối tác quan trọng về năng lượng xanh, UAE hiện là một thế lực lớn trong lĩnh vực này, nhờ các khu vực rộng lớn sản xuất điện mặt trời giá rẻ, nền tảng của hydro xanh. Thực tế, ngay trước thềm chuyến thăm, lô cung cấp thử nghiệm hydro xanh đầu tiên từ UAE đã đến Hamburg (Đức) - động thái được Bộ Kinh tế Đức mô tả là một phần của nỗ lực thiết lập "chuỗi giá trị hydro toàn diện giữa Đức và UAE".
Cũng trong ngày 25-9, Thủ tướng Đức cũng tới Doha (Qatar) và hội đàm với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani. Khác với Saudi Arabia và UAE, Qatar có thế mạnh về LNG, nhưng Đức và Qatar tới nay vẫn bế tắc trong việc mua bán, dù những đàm phán về các lô hàng khả thi đã bắt đầu từ tháng 2-2022, thời điểm xung đột Ukraine nổ ra. Theo các quan chức Đức, đàm phán với Qatar là đặc biệt khó khăn và mô tả chiến lược của một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới này là “cứng rắn cả về giá cả và thời hạn của các thỏa thuận tiềm năng”.
Giới quan sát đánh giá, những thỏa thuận hợp tác thuộc khuôn khổ chuyến công du lần này, đặc biệt là những thỏa thuận cung ứng năng lượng, có thể giúp Đức tự tin hơn về an ninh năng lượng, sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đối mặt khủng hoảng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt tới “lục địa già” liên quan đến xung đột tại Ukraine. Việc giảm nguồn cung khí đốt đã đẩy giá nhiên liệu và điện tăng vọt, đẩy lạm phát tại Đức lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, có thể tới 8,1% trong năm nay và 9,3% vào năm sau.
Những hợp đồng năng lượng xanh cũng sẽ là bước tiến dài trong nỗ lực của nước Đức nhằm trở nên trung hòa carbon vào năm 2045 - tiến trình đòi hỏi phải chuyển từ khí đốt tự nhiên sang hydro được sản xuất bằng năng lượng tái tạo. Việc nước Đức giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong dài hạn cũng đóng góp quan trọng củng cố uy tín của nhà lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội (SPD), vốn đang có xu hướng suy giảm thời gian gần đây.
Chuyến công du ba nước Trung Đông của Thủ tướng O.Scholz là minh chứng rõ ràng cho thấy, Berlin coi đa dạng hóa nguồn cung năng lượng từ bên ngoài là lối thoát quan trọng cho nền kinh tế. Trong đó, tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh đang là ưu tiên cấp bách, trong bối cảnh châu Âu đang trước thềm mùa đông lạnh giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.