(HNMO) - Sáng 20-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết nối đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm tìm lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động trong thời gian qua.
Tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, một số tổ chức, chuyên gia quốc tế.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược, đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỷ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần.
Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, hội nghị cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường do tác động từ bên ngoài hoặc nội tại nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện tương đối đồng bộ và toàn diện. Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Nhiều chính sách tạo việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động đã được triển khai nhất quán, liên tục, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau đại dịch Covid-19.
Trong 2 năm qua, thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP và số 116/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác; đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng.
Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động. Tính đến tháng 7-2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhìn chung, các chính sách đã được ban hành kịp thời, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành và phát triển thị trường lao động, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu chỉ rõ một số hạn chế của thị trường lao động Việt Nam, bao gồm: Cung lao động còn chưa đáp ứng cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.
Nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại, thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều. Hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ, phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, thiếu tính kết nối...
Nhiều kiến nghị đã được nêu ra nhằm thực hiện quản trị và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, như: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại và bền vững, tạo việc làm có năng suất cao; thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động, phổ cập nghề cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Cùng với đó, Nhà nước tiếp tục giữ vai trò kiến tạo, quản lý và điều tiết phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để hạn chế những rủi ro liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động...
Một mặt hỗ trợ tối đa cho người lao động, doanh nghiệp tham gia thị trường lao động, tập trung triển khai ngay các giải pháp cấp bách và trước mắt nhằm tháo gỡ những vấn đề của người lao động, doanh nghiệp để khơi thông các điểm nghẽn của thị trường lao động, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững; mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức vận hành các yếu tố của thị trường lao động để có sự đột phá trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường lao động…
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thị trường lao động Việt Nam đang có sự phát triển tốt; đồng thời yêu cầu phải khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực, đánh giá chính xác nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ các giải pháp để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, bao gồm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.
Một mặt thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, mặt khác, tăng cường nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân, lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Khẳng định nhiệm vụ chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động, Thủ tướng chỉ đạo phải tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Đặc biệt, tập trung đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.
Thêm vào đó, hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động. Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là thị trường lao động nông thôn, thị trường lao động trình độ cao…
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến của đại biểu góp ý, đề xuất tại hội nghị, hoàn thiện nội dung văn bản dưới hình thức nghị quyết hoặc chỉ thị, nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.