Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Tiến Thành| 19/10/2021 16:14

(HNMO) - Chiều 19-10, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn phát biểu tại họp báo.

Quốc hội dành 7 ngày cho công tác lập pháp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tạo ra xung lực mới, khí thế mới cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt, đất nước đang từng bước trở về trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20-10-2021, bế mạc vào ngày 13-11-2021 với tổng thời gian là 17 ngày làm việc. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp này được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt: Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20-10 đến ngày 30-10), riêng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội sẽ họp tập trung cùng các đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan trung ương tại Nhà Quốc hội; đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ ngày 8-11 đến ngày 13-11).

Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác lập pháp, tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành 10 ngày để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội...

Về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc quyết định nhóm chất vấn và người trả lời chất vấn thuộc thẩm quyền quyết định của đại biểu Quốc hội. Hiện tại, bước đầu đã tổng hợp được 59 nhóm vấn đề, dự kiến đến thời điểm cuối đợt họp trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó quyết định nhóm vấn đề chất vấn và Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

“Theo quy định của pháp luật, các tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không chất vấn những vấn đề đã có trong Nghị quyết về chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn và phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn”, đồng chí Bùi Văn Cường thông tin.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Rà soát tổng thể hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch

Về công tác cải cách tiền lương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, đây là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế - xã hội, Chính phủ đã chi nhiều ngân sách cho công tác phòng, chống dịch, nên trước mắt cần dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, chăm lo cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng có thu nhập thấp như người có lương về hưu trước năm 1995 sẽ được xem xét tăng lương trước.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra báo cáo thực hiện nghị quyết của Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại họp báo.

Qua thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ và các bộ, ngành chưa có đánh giá tổng thể liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống dịch hay đề xuất sửa đổi bổ sung luật, nghị quyết liên quan. Các văn bản hướng dẫn trả lời của các bộ, ngành để giải quyết vướng mắc còn chậm, chưa kịp thời nên đã có lúc tạo cách hiểu chưa thống nhất, gây nhiều cách làm khác nhau, gây bức xúc trong xã hội. Còn tình trạng văn bản do địa phương ban hành chưa được rà soát thận trọng nên còn sai sót, phải đính chính, thu hồi, bổ sung nhiều lần...

“Việc phân cấp cho địa phương thời gian qua chưa thật sự chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện nên mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật thiếu nhất quán, có dấu hiệu cát cứ, thực thi chỉ đạo Trung ương chưa trọn vẹn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định.

Đồng chí Đặng Thuần Phong cho biết, Chính phủ đã nhận diện rõ và xác lập những giải pháp khắc phục, đồng thời, có chiến lược tổng thể phòng, chống dịch và thích ứng an toàn đối với mọi diễn biến trong tình hình mới. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 để việc thực thi có giá trị thực tiễn cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.