Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội có bước phát triển ổn định, căn bản

Nhóm PV HNMO - Ảnh: Viết Thành| 29/09/2017 08:20

(HNMO) - Sáng 29-9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và những đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố.

(HNMO) - Sáng 29-9, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì buổi làm việc với thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và những đề xuất, kiến nghị của UBND thành phố. 

Hà Nội đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với thành phố Hà Nội.

Tham gia Đoàn công tác của Chính phủ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương...

Về phía TP Hà Nội có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, bí thư các quận huyện, thị xã.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã có chuyển biến tốt, căn bản, đặc biệt 2 năm sau Đại hội. Hà Nội không những ổn định mà phát triển với nhiều mô hình, cách làm tốt, cần phải được tổng kết, khuyến nghị những vấn đề đặt ra.

"Các bộ, ngành trung ương phải rõ ràng trong xử lý các kiến nghị của Hà Nội mà không thể cứ nói chung chung mãi. Cần phải tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra yêu cầu trước buổi làm việc.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thay mặt lãnh đạo thành phố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của thành phố 9 tháng đầu năm, các nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và những kiến nghị của thành phố tới Thủ tướng Chính phủ. Trong bản báo cáo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nêu nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP Hà Nội trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu một số tồn tại, hạn chế, những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian tới. Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đề xuất hơn 20 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ. (xem chi tiết báo cáo và đề xuất kiến nghị của thành phố tại đây).

Trước các ý kiến đề xuất của Hà Nội, lãnh đạo các bộ, ngành lần lượt nêu ý kiến, giải đáp những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, những chuyển động của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ tới nay khá mạnh mẽ và toàn diện. Trong 9 tháng qua, Hà Nội đạt tốc độ phát triển kinh tế cao; đặc biệt dành sự quan tâm xây dựng nông thôn mới với sự đồng bộ nhất về hạ tầng; chuyển đổi mô hình sản xuất; nâng cao thu nhập của người dân; giảm chỉ số hộ nghèo mạnh mẽ; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tăng cao, là điểm sáng của cả nước; trật tự đô thị được quan tâm, chỉnh trang mạnh mẽ, đặc biệt là việc trồng cây xanh. Người Hà Nội văn minh thanh lịch rõ hơn. 

Một số kiến nghị của Hà Nội nhận được sự đồng tình cao của các bộ như về vấn đề nước sạch; đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ; xử lý rác thải; tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế; về biên chế, việc làm; phân cấp quản lý thanh tra xây dựng; quản lý cơ sở y tế; triển khai thực hiện dự án đầu tư “xây dựng, cải tạo chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm”...


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Xây dựng các khu đô thị ngoại ô để giảm áp lực nội đô

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những công việc của Hà Nội đã làm được trong 9 tháng qua, tiếp tục khẳng định là “đầu tàu” kinh tế quan trọng của cả nước. 

Vấn đề văn hóa - xã hội, Hà Nội có chuyển hướng quan trọng. Chất lượng cuộc sống người dân không ngừng cải thiện và nâng cao, đặc biệt trong công tác đầu tư xây dựng, phát triển đô thị được thực hiện hết sức quyết liệt, thể hiện ở việc tập trung đầu tư các công trình, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình giao thông được triển khai hiệu quả.

Các công trình nhà ở thương mại được đầu tư chất lượng, phát triển nhà ở xã hội có kết quả bước đầu, đáng để nhân rộng; công tác chỉnh trang đô thị triển khai quyết liệt và có hiệu quả, đặc biệt là công tác trồng cây xanh đô thị - là điểm sáng của Hà Nội…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu những tồn tại của TP Hà Nội như tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vấn đề xây dựng và quản lý xây dựng đô thị vẫn là thách thức, vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng… 

Từ những vấn đề đã nêu, Phó Thủ tướng đồng tình với đề xuất của Hà Nội. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những nhiệm vụ của Hà Nội cần làm trong thời gian tới: Đề nghị TP Hà Nội rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch tổng thể ở các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm để đóng góp cho tăng trưởng của cả nước.

Hà Nội cần tập trung rà soát quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành như quy hoạch giao thông, quy hoạch chất thải, quy hoạch nghĩa trang…; cần có kế hoạch hóa quá trình thực hiện để đảm bảo đầu tư có hiệu quả, bền vững; xây dựng các khu đô thị ngoại ô góp phần giảm áp lực nội đô; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân; tiếp tục chỉnh trang đô thị…

Ủng hộ Hà Nội tổ chức các sự kiện quốc tế

Về mặt đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao Hà Nội trong phục vụ các hoạt động đối ngoại. 100% các đoàn cao cấp tới Việt Nam đều đến Hà Nội nên Hà Nội luôn là lăng kính để bạn bè quốc tế đánh giá về sự phát triển của cả đất nước.


Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị.


Qua kiến nghị của thành phố đề nghị Trung ương cho phép được thương thảo để tổ chức đăng cai các giải thể dục thể thao quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bày tỏ hoàn toàn ủng hộ và cho rằng, không chỉ riêng với các giải này, Hà Nội phải chủ động tổ chức các hội nghị quốc tế, các triển lãm quốc tế để nâng cao vai trò của Thủ đô và cả đất nước. 

Cũng đồng tình cao với đề xuất này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho rằng, việc tổ chức các sự kiện quốc tế sẽ tạo thêm cơ hội hội nhập, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút du lịch nhiều mặt cho Hà Nội. 

Để phát triển du lịch, cải thiện môi trường đô thị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị Hà Nội sớm cải tạo hai bên bờ sông Hồng và tận dụng thế mạnh về sông hồ, cây xanh. 

Trong giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, Hà Nội phải có lộ trình hạn chế với xe máy nhưng phải tránh được "nghịch lý" giảm xe máy sẽ tăng ô tô, càng gây áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông.

"Để lập lại trật tự vỉa hè đô thị, cần có các biện pháp sắp xếp, giải quyết sinh kế cho người dân, bởi nếu dùng biện pháp cưỡng chế người dân trong khi sinh kế của họ gắn với vỉa hè là không ổn" - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý.

Đẩy nhanh việc chỉnh trang lại các khu đô thị cũ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những việc thành phố Hà Nội làm được như đẩy mạnh cải cách hành chính, quan tâm đến phong trào khởi nghiệp; đẩy mạnh hiện đại hóa, chỉnh trang đô thị; thực hiện xong 50% chương trình “một triệu cây xanh”. Phó Thủ tướng đồng tình với các đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị thêm một số việc Hà Nội cần làm, đó là: Đẩy mạnh hơn nữa hiện đại hóa và chỉnh trang đô thị, đồng thời duy trì văn hóa thanh lịch của người Tràng An… 

Đối với một số dự án nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hà Nội nên lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy việc chỉnh trang lại các khu đô thị cũ (Kim Liên, Ngọc Khánh,…), chú trọng không gian sống cho người dân; cần triển khai cụ thể một số dự án lớn như trục phát triển Nhật Tân - Nội Bài…; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, phát triển các ngành…


Về vấn đề khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Hà Nội cần quan tâm hơn việc đưa chương trình khởi nghiệp vào các trường đại học.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề xuất lại một số vấn đề: Hà Nội cần quan tâm hơn về văn hóa, nghệ thuật bằng cách đặt hàng đào tạo các ngành văn hóa nghệ thuật; quan tâm hơn nữa tới nhà ở cho giới văn nghệ sĩ; tiếp tục làm tốt công tác giáo dục thể chất, giáo dục đạo đức trong nhà trường...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cùng tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển

Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự thống nhất với báo cáo chung do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trình bày, ý kiến các đồng chí Phó Thủ tướng và tổng hợp ý kiến các bộ, ngành từ Văn phòng Chính phủ.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.


"Hôm nay Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với thành phố Hà Nội trên tinh thần cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chứ không phải tiếp tục ràng buộc, tiếp tục xin - cho. Do đó, Chính phủ rất quan tâm đến những kiến nghị của Hà Nội" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào hoàn thành kế hoạch chung của cả nước. Hà Nội còn có nhiều mô mình kinh tế mới, cách làm mới, sáng tạo, trong đó có xã hội hoá nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ. 

Môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính của Hà Nội có chuyển biến mạnh, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 2 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Trật tự văn minh đô thị của Hà Nội có nhiều chuyển biến rõ nét với cây xanh được trồng nhiều, thành phố xanh - sạch - đẹp hơn. 

Quan tâm đến xây dựng nông thôn mới, Hà Nội chú trọng đi liền với xoá đói giảm nghèo. Hà Nội có vùng nông thôn mới nhưng chỉ còn 1,7% hộ nghèo là cả sự cố gắng. 

Hà Nội cũng đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người với nhiều thành tích trong văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao, nhất là chất lượng giáo dục đào tạo hệ phổ thông, mẫu giáo; bảo đảm cho phát triển bền vững của Thủ đô. 

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm biên chế, giảm đầu mối là thành công bước đầu của Hà Nội. Bên cạnh đó, an ninh trật tự của thành phố cơ bản được bảo đảm. 

Thủ tướng Chính phủ đặc biệt đánh giá cao một số ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước như hạn chế phương tiện xe máy đến năm 2030, bởi đây là xu thế của thời đại.

Với những phân tích nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 năm qua.

Tiếp đó, phân tích những thách thức mà Hà Nội đang gặp phải, Thủ tướng nêu, đó là thách thức từ quản lý một siêu đô thị trong sức ép cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực; thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đi liền là đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, thu hút trọng dụng nhân tài cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thách thức về nguồn lực, về phát triển các dịch vụ công trong y tế, văn hoá, thể dục thể thao... đáp ứng đòi hỏi của lượng dân số có trình độ dân trí cao; thách thức giữ vững kỷ luật, kỷ cương dân chủ.

"Hà Nội phải tạo động lực cho từng cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân. Hà Nội nên đi trước cả nước để làm gương. Việc để dân làm giấy chứng tử mất cả ngày là phản cảm, phải rút kinh nghiệm sâu sắc" - Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, định hướng phát triển để bảo đảm "xanh, sạch, bảo tồn, kỷ cương" đang đặt ra với Hà Nội một cách mạnh mẽ. Nguyên tắc cốt lõi của Hà Nội phải là thành phố hoà bình, văn minh, văn hiến, bản sắc và thượng tôn pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu chương trình hành động dành cho Hà Nội. Đó là, Hà Nội phải hợp tác chặt chẽ với các địa phương, xóa bỏ sự manh mún, dàn trải trong các chính sách; định hướng quy hoạch chiến lược phát triển khoa học công nghệ; Hà Nội hiện đang có nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, vì thế Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần có biện pháp chọn lọc, tập trung lại để hình thành cộng đồng khoa học công nghệ, cùng chia sẻ hạ tầng trong lĩnh vực này. Hà Nội cần tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng xác định giá trị cốt lõi mà Hà Nội cần hướng tới là: Thành phố đô thị văn minh thể hiện ở việc xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở; thành phố vì hòa bình; thành phố năng động và hội nhập thể hiện ở việc tạo môi trường tự do kinh doanh thuận lợi dựa trên nguyên tắc bình đẳng; thành phố văn hóa, giàu bản sắc với việc chú trọng đến bảo vệ các công trình văn hóa, di tích lịch sử của Thủ đô; thành phố kiến tạo và phát triển: Đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, mục đích xây dựng của thành phố. Hà Nội là nơi điển hình thu hút mọi nguồn nhân lực, người tài. Thủ tướng nhấn mạnh, những giá trị cốt lõi này sẽ là động lực để Hà Nội xác định các mục tiêu cần hướng tới.

Về các kiến nghị của thành phố Hà Nội tới Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản nhất trí, đồng tình và ủng hộ các nội dung mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế chính sách, phân cấp cho Hà Nội. Việc xã hội hóa nguồn lực đầu tư cần được thành phố Hà Nội thúc đẩy mạnh mẽ hơn để tạo ra cơ chế huy động vốn xây dựng các công trình trên địa bàn.

Về các vấn đề quy hoạch thành phố để giải quyết ùn tắc giao thông, Thủ tướng đề nghị Hà Nội kiên quyết thực hiện di dời các trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp… như quy hoạch, đặc biệt phải di dời các trường đại học trong nội đô.

Về việc phát triển du lịch, xây dựng dự án nhà ga T3, T4 - Sân bay quốc tế Nội Bài; việc tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế; đề án vị trí việc làm tại cơ quan; phân cấp thanh tra quản lý xây dựng; phân cấp quản lý y tế cơ sở…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý, ủng hộ các đề xuất này.

Về kiến nghị chủ trương triển khai thực hiện dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề nhạy cảm nên dù Chính phủ đồng ý về chủ trương nhưng khi thực hiện TP Hà Nội cần lắng nghe ý kiến của người dân, tránh dư luận ồn ào.


Về việc triển khai một số dự án trọng điểm của Hà Nội như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông Anh; quy hoạch dự án Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ…, Thủ tướng giao cho Hà Nội chủ trì cùng Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xác định quy mô đầu tư, lập quy hoạch chi tiết để báo cáo Thủ tướng. 

Thủ tướng cũng chỉ đạo Hà Nội và các bộ, ngành phối hợp thúc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chi tiết khu triển lãm Giảng Võ và tính toán phương án giao thông hợp lý trình Thủ tướng.

Về việc thành lập vùng Thủ đô, Thủ tướng chỉ định Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì cuộc họp với 10 tỉnh của vùng Đồng bằng Bắc Bộ để xây dựng quy hoạch vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.


Phát biểu cuối buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cảm ơn đánh giá của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ về những kết quả đạt được của Hà Nội sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI. 

"Những nội dung được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ tại buổi làm việc là hết sức quan trọng, quyết định việc thành phố có đạt được mục tiêu mà Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng như Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đề ra hay không. Thành phố đang trong quá trình đánh giá sơ kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội nên đây là thời điểm quan trọng để Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến định hướng" - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về trách nhiệm, vinh dự của mình trong việc thực hiện các mục tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho với tư cách là Thủ đô của cả nước. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng còn một số tồn tại. Do đó, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu nghiêm túc các thách thức, định hướng chiến lược phát triển, nguyên tắc phát triển cùng các khuyến nghị, sáng kiến mà Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nêu để có các giải pháp khắc phục trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội có bước phát triển ổn định, căn bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.