(HNM) - Hoạt động mua, bán hàng hóa qua mạng xã hội những năm gần đây ngày càng diễn ra phổ biến. Để tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, cơ quan thuế đang hoàn thiện cơ chế pháp lý...
Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ, người bán hàng qua mạng phải đóng thuế. |
Tránh bất bình đẳng trong thu thuế
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa lập danh sách 13.469 trang facebook có hoạt động kinh doanh và chuyển cho các chi cục gửi thư mời kê khai đăng ký thuế. Đây được coi là những bước đi đầu tiên của ngành Thuế nhằm thu thuế với hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đối tượng quản lý không chỉ có những người sử dụng mạng xã hội, mà còn cả những doanh nghiệp chuyên về hoạt động thương mại điện tử, như các trang mạng: Amazon, Google, Facebook, YouTube… Luật Quản lý thuế hiện nay đã quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nộp thuế. Đối với hoạt động thương mại điện tử, cần bổ sung thêm quy định liên quan đến cá nhân kinh doanh trên facebook và các mạng xã hội khác.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết, tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử nêu rõ, phải “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”. Đối với các tổ chức, cá nhân đã đăng ký thuế với cơ quan thuế, được cấp mã số thuế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nay mở rộng thêm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chỉ cần khai bổ sung thông tin với cơ quan thuế. Theo quy định của pháp luật về thuế, với các hình thức bán hàng trực tuyến, cá nhân phải nộp thuế giá trị gia tăng theo thuế suất 1% và thuế thu nhập cá nhân theo thuế suất 0,5% trên doanh thu bán hàng.
Tuy nhiên, kinh doanh qua mạng xã hội là loại hình mới nên việc quản lý thuế còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho rằng, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện qua các phương tiện công nghệ thông tin, như điện thoại di động, máy tính có thể phát sinh mọi lúc, mọi nơi, không giống như hình thức kinh doanh truyền thống. Thông tin của người mua và người bán thường không hiển thị cụ thể, nên rất khó khăn cho cơ quan thuế.
Khó vẫn phải thực hiện
Theo ông Đặng Ngọc Minh, kinh doanh thương mại điện tử là một trong những vấn đề mà Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như ngành Thuế rất quan tâm. Hiện, cơ quan thuế xác định được các giao dịch kinh doanh trên facebook chủ yếu là qua các “comment” (bình luận) và “inbox” (nhắn tin) trên các tài khoản bán hàng.
Việc kinh doanh trên facebook cũng hiếm khi có hóa đơn, chứng từ giao dịch. Trong khi, nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp đã có cửa hàng nay đánh thuế tiếp hoạt động kinh doanh trên facebook không khác gì thuế chồng thuế. Nhận định về khó khăn này, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động đặc thù, như kinh doanh thương mại điện tử, quảng cáo bán hàng qua các trang mạng xã hội… Trong khi, việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử đòi hỏi những yêu cầu cao hơn so với thanh tra thuế thông thường. Trong quá trình thanh tra, lại phải có sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý liên quan mới có thể xác định luồng tiền thanh toán, dấu vết giao dịch, dữ liệu lịch sử giao dịch… làm cơ sở truy thu thuế các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ.
Hiện, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có giao dịch sản phẩm qua internet cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tiền thuế do người bán hàng tự khai, tự tính, tự nộp vào ngân sách nhà nước lại không tương ứng với thực tế. Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp, cũng như trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung quy định thu thuế hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Cùng với đó, Tổng cục Thuế tiếp tục nâng cấp các ứng dụng công nghệ thông tin để cá nhân kinh doanh trên facebook có thể khai thuế qua mạng, qua đó giúp việc thu, nộp thuế thuận lợi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.