(HNM) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo thông tư “Thống kê và công bố tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng”.
Theo nội dung dự thảo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu người sử dụng lao động phải tổ chức thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình. UBND xã, phường, thị trấn phải thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động xảy ra trên địa bàn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động, gồm thông tin về các vụ tai nạn lao động có đề nghị khởi tố, vụ tai nạn lao động đã thực hiện khởi tố; báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trong tỉnh, thành phố…
Báo cáo về tình hình an toàn lao động năm vừa qua do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố cho thấy, toàn quốc xảy ra 8.150 vụ, làm 8.327 người bị nạn. Những lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động là dịch vụ chiếm 19,2% tổng số vụ tai nạn và 22,03% tổng số người chết; lĩnh vực xây dựng chiếm 17,12% tổng số vụ tai nạn và 17,8% tổng số người chết; lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 10,81% tổng số vụ tai nạn và 10,17% tổng số người chết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.