(HNM) - Việc Hà Nội - Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18-2019 đang nhận được sự quan tâm lớn, bởi chúng ta chỉ còn gần 7 năm cho việc chuẩn bị Á vận hội 18. Buổi họp báo về đại hội được Bộ VH,TT&DL tổ chức chiều 29-11 tại Hà Nội đã làm rõ hơn về những đầu việc cần triển khai sắp tới.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động tại ASIAD 18-2019. Ảnh: Minh Hải |
- Xin các ông cho biết bao giờ mới thành lập Ban chỉ đạo, BTC cho ASIAD 18-2019?
- Ông Vương Bích Thắng: Ngay sau khi đoàn về nước, Bộ trưởng đã giao UB Olympic Việt Nam và Tổng cục TDTT xây dựng đề án tổng thể về bốn nội dung: 1. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất; 2. Công tác tổ chức; 3. Công tác chuẩn bị lực lượng VĐV; 4. Công tác truyền thông cho ASIAD. Chúng tôi đang triển khai xây dựng đề án này thật tốt, nhanh chóng trình Chính phủ và các cấp, sau khi có ý kiến chỉ đạo, mọi việc sẽ được vận hành ngay.
- Trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho ASIAD 18-2019, tỷ lệ phần trăm giữa việc tận dụng công trình cũ và xây mới là bao nhiêu?
- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Khoảng 80% là tận dụng công trình cũ, chỉ 20% còn lại là xây mới. Chúng ta cần phải xây một sân xe đạp lòng chảo và cơ sở cho một số môn khác như bóng bầu dục, hockey trên cỏ, đua ngựa… Chính phủ cũng đã quy hoạch 245ha ở Xuân Trạch, Đông Anh cho ASIAD.
- Cơ sở nào để đưa ra con số 150 triệu USD cho việc đăng cai ASIAD 18-2019 được nêu trong đề án vận động đăng cai?
- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Con số 150 triệu USD nêu trong đề án là để trình Chính phủ những khoản chi trực tiếp liên quan đến công tác đăng cai tổ chức đại hội. Thực tế, cơ sở cho việc Hà Nội giành được quyền đăng cai chính là Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6-7-2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Các bản quy hoạch ấy đều xác định đăng cai ASIAD là một nhiệm vụ quan trọng. Trong nguồn kinh phí chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành Quy hoạch của Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, riêng giao thông là 20 tỷ USD, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Năm 2010, 8 tỷ USD đã được đầu tư cho Hà Nội.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoạch định đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Khi đó, Hà Nội có đường tàu trên không, gần 20 cầu, hầm ngầm qua sông Hồng, sông Đà, sông Đuống... và đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh, thành đăng cai ASIAD. Những công trình này, dù có ASIAD hay không cũng vẫn sẽ được đầu tư, đó chính là cơ sở quan trọng giúp Hà Nội - Việt Nam có thể giành quyền đăng cai và tổ chức ASIAD thành công.
- Có thông tin UAE xin rút đăng cai ở phút cuối tại cuộc đua giành quyền đăng cai ASIAD. Nhưng cũng có thông tin từ truyền thông của UAE, khẳng định UAE chưa từng nộp hồ sơ đăng cai ASIAD 18-2019, vậy thông tin nào là chính xác?
- Ông Hoàng Vĩnh Giang: Đến lúc bỏ phiếu cho đơn vị đăng cai đại hội, chúng tôi mới biết rằng UAE xin rút. Còn phía OCA luôn coi đây là một ứng viên, trong hồ sơ và tài liệu giới thiệu về các đơn vị xin đăng cai đều có tên ứng viên này. Những tài liệu này tôi còn giữ và có thể cung cấp ngay cho báo chí.
- Các ông nghĩ gì về việc kinh phí đăng cai SEA Games 22-2003 đã bị tăng lên gấp nhiều lần so với dự trù? Sẽ có những biện pháp gì để vấn đề bội chi tại ASIAD 18-2019 không phải là nỗi lo?
- Ông Vương Bích Thắng: Tôi khẳng định kinh phí tổ chức SEA Games 22-2003 không vượt, thậm chí nhiều mục chi không hết. BTC chưa phải xin thêm tiền ngoài khoản đã được Chính phủ duyệt.
- Ông Lê Khánh Hải: Đăng cai một đại hội như ASIAD 18-2019 là một sự kiện văn hóa - thể thao - chính trị rất lớn của đất nước. Đây cũng là dịp tuyên truyền về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, ổn định về chính trị, an toàn xã hội. Đăng cai thành công sẽ là một “cú hích lịch sử” về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, du lịch, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế… Nó sẽ có tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống xã hội.
- Xin cảm ơn các ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.