(HNMCT) - Chỉ còn ít ngày nữa là trẻ em Việt Nam lại tựu trường. Guồng quay mới theo nếp cũ lại bắt đầu, sự chơi nhường chỗ cho những ngày học tập căng thẳng khi thói quen sinh hoạt, tâm lý thoải mái trong những ngày nghỉ hè còn chưa dứt.
Trong nỗi bận bịu để trẻ có một kỳ khai giảng ý nghĩa, không phải ai cũng biết hoặc suy nghĩ đầy đủ về thông tin liên quan tới trẻ em mà đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố trong khuôn khổ lớp tập huấn dành cho báo chí với chủ đề “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” - do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, diễn ra vào ngày 24-8.
Theo đó, một cuộc khảo sát về việc trẻ em sử dụng internet và mạng xã hội gần đây cho kết quả: Trong số được hỏi, có 89% nói rằng trẻ có sử dụng internet và 87% trong số này sử dụng hằng ngày; trung bình trẻ dùng 5 - 7 giờ mỗi ngày để vào mạng xã hội. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chỉ 36% số được hỏi, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17, được dạy cách tự bảo vệ trên không gian mạng...
Chỉ nghĩ một chút thôi cũng thấy được vấn đề nói trên là quá lớn, quá quan trọng. Liệu sẽ có bao nhiêu trẻ mang thói quen thoải mái quá đà vào năm học mới?
Số liệu khảo sát nhóm, nhiều khi được hiểu thành “thống kê” mang tính đại diện chính thức, dĩ nhiên gây ám ảnh nhưng không đọng lại sâu sắc như những gì tận mắt chứng kiến ngoài đời thực mà ở đó, nỗi lo không chỉ đến từ nhóm trẻ có thói quen sử dụng điện thoại di động để vào mạng xã hội quá nhiều. Chẳng hạn, một ông bố ở Hà Nội đã bỏ thời gian “la cà” ở khu vực ngoài cổng trường học của con mình và nhiều trường khác, nói rằng nhiều trẻ nói tục một cách kinh khủng, nhất là trẻ nam từ độ tuổi trung học phổ thông tới đại học. “Chúng vãi đủ thứ, từ đệm tục tĩu dường như câu cửa miệng, một xu hướng không thể xem nhẹ”. Một người khác, chất vấn trên group của cư dân ở một khu chung cư: “Không biết mẹ nào cứ cho con mang theo điện thoại xuống sân chơi, cả hội xúm vào xem, không chịu tập thể dục gì cả?”...
Rất khó để kết luận rằng những hiện tượng “khó coi” đó có liên quan tới việc trẻ tham gia mạng xã hội từ sớm, quá nhiều thành "nghiện" hay không, và hệ lụy có thể là gì, nếu như không có những cuộc điều tra xã hội học được thực hiện chuyên sâu, đủ nghiêm túc.
Truyền thông đã đề cập rất nhiều về sự lợi - hại của việc trẻ em sử dụng điện thoại tham gia mạng xã hội. Cơ quan quản lý về vấn đề liên quan thường đưa ra khuyến cáo, ý chính bao giờ cũng có đoạn “cần sự quan tâm phối hợp vào cuộc của gia đình, nhà trường và cộng đồng”. Nhưng trong thực tế, mỗi khi xảy ra vấn đề liên quan tới việc trẻ em sa đà trong thế giới mạng xã hội và gây hậu quả đáng tiếc, dễ thấy người lớn “trình bầy” lý do quá bận, không có thời gian theo sát trẻ. Nhiều người tìm nguyên nhân khách quan, rằng chỗ chơi thiếu nên trẻ tìm niềm vui từ chiếc điện thoại, ti vi. Một số nói rằng trẻ phải học quá nhiều, học trên lớp rồi lại học thêm nên không có đủ thời gian để thường xuyên đưa chúng tới các điểm dã ngoại, đi xem phim, vào công viên, thăm sở thú..., “không cho con làm bạn với điện thoại, ti vi thì biết làm gì khác?”... Cảm giác thoái thác rõ hơn ý nghĩ tìm kiếm nguyên nhân, xác định giải pháp phù hợp với hoàn cảnh riêng nhằm giải quyết tận gốc vấn đề. Làm sao mà trẻ nhỏ có thể mang điện thoại vào phòng ngủ riêng nếu bố mẹ để ý tới chuyện này? Tại sao người lớn có thể đem điện thoại thông minh làm mồi nhử dỗ con để mình được “yên thân”?...
Dịp hè năm nay, trong một bài viết có ý cảnh báo về sự chơi “không hợp tuổi” của trẻ trên không gian mạng, tác giả đưa ra ý kiến của một nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ, đại ý rằng điều thực sự có hại cho trẻ em không phải là chiếc điện thoại thông minh, mà là mối quan hệ lỏng lẻo giữa cha mẹ và con cái. Trong mối quan hệ này, giữ vai trò chủ động, mang tính quyết định tới hướng phát triển về thói quen của con chính là người lớn. Nói một cách khác, khi trẻ có thể thường xuyên sử dụng tới 5 - 7 giờ/ ngày để vào mạng xã hội thì trong đa số trường hợp, “thủ phạm” chính là người lớn chúng ta. Khó mà nói khác đi được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.