Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu nợ bảo hiểm xã hội: Luật hóa để đạt hiệu quả cao

Khánh Vũ| 23/02/2018 07:26

(HNM) - Năm 2017, với việc thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội đã giảm đáng kể.


Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tổng số nợ BHXH phải tính lãi năm 2017 là khoảng 5.737 tỷ đồng, ở mức dưới 3% so với kế hoạch thu BHXH được giao (giảm 0,8% so với năm 2016). Năm qua, BHXH TP Hà Nội cũng đã giảm được 1.113 tỷ đồng tiền nợ so với cùng kỳ năm trước (số tiền nợ năm 2016 là 2.417 tỷ đồng, chiếm 7,7% kế hoạch thu; năm 2017 là 1.304 tỷ đồng, chiếm 3,9% kế hoạch thu).

Thu nợ bảo hiểm xã hội hiệu quả sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi của người lao động. Ảnh: Thái Hiền


Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, để đạt được kết quả khả quan nói trên, rất nhiều giải pháp mang tính đồng bộ đã được thực hiện quyết liệt. Thành ủy, HĐND, UBND, BHXH TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức 93 cuộc tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật lao động, BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và người lao động tại 30 quận, huyện, thị xã với 19.568 người tham dự. Hằng tháng, BHXH Hà Nội công khai danh sách các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT trên các phương tiện truyền thông, tại chương trình VOV Giao thông vào các khung giờ cao điểm trong ngày. Thông qua hệ thống e-mail điện tử của cơ quan thuế quản lý, BHXH Hà Nội đã gửi công văn nêu yêu cầu tăng cường thu, và thu nợ BHXH, BHYT 3 tháng cuối năm 2017 đến 120.480 doanh nghiệp; gửi thông báo nợ đến 10.919 doanh nghiệp. BHXH thành phố cũng chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã thành lập tổ thu nợ. Các phòng chức năng của BHXH thành phố thành lập các đoàn kiểm tra đôn đốc việc thu tại các đơn vị để hỗ trợ BHXH các quận, huyện, thị xã. Doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT được phân loại theo loại hình sản xuất, kinh doanh, thời gian nợ, xác định nguyên nhân nợ, trên cơ sở đó BHXH Hà Nội đề xuất và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thực hiện đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, trong đó, tập trung vào các đơn vị có khoản nợ phát sinh, nợ dưới 12 tháng.

Ngoài ra, để tăng cường giải quyết khối nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, BHXH Hà Nội tích cực phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 2.478 đơn vị với số tiền nợ là 1.113,3 tỷ đồng (sau thanh tra, kiểm tra, đã thu hồi được 557,6 tỷ đồng), cũng như ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 7 đơn vị với số tiền gần 190 triệu đồng...

Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, hiện nay, mặc dù tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH có giảm nhưng vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương và tỷ lệ nợ vẫn còn cao. Đặc biệt, ngành gặp nhiều khó khăn đối với những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc các doanh nghiệp giải thể, phá sản, doanh nghiệp chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH. Trong khi đó hiện nay chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH cho người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp này.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác thu BHXH, hạn chế tình trạng nợ đóng BHXH kéo dài, bảo đảm quyền lợi về BHXH cho người lao động, thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 16 điều, nhằm giải quyết quyền lợi về bảo hiểm của người lao động trong các doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định về nguồn kinh phí xử lý nợ cho những trường hợp này sẽ được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại Khoản 3, Điều 122 của Luật BHXH.

Theo đó, nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được chia thành 4 loại. Thứ nhất, nợ chậm đóng là các đơn vị có thời gian nợ dưới 1 tháng. Thứ hai, nợ đọng là các trường hợp có thời gian nợ từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Thứ ba, nợ kéo dài là các đơn vị có thời gian nợ từ 3 tháng trở lên. Thứ tư là nợ khó thu, gồm các trường hợp: Đơn vị "mất tích"; đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành; đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật; đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.

Với Nghị định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đang được xây dựng, công tác thu, quản lý nợ, giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người lao động sẽ được luật hóa một cách cụ thể, chi tiết hơn. Qua đó, công tác thu, xử lý nợ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu nợ bảo hiểm xã hội: Luật hóa để đạt hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.