(HNM) - 2018 được dự báo là một năm thành công của nền kinh tế, trong đó có kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thời gian qua đạt kết quả ấn tượng. |
Cùng thời gian trên, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một diễn biến đáng ghi nhận, theo chiều hướng tích cực và có “sức bền” vì đã diễn ra liên tục từ đầu năm đến thời điểm này. Qua đó, cũng cho thấy sức hấp dẫn của thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Việc các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mức độ giải ngân thực chất là thể hiện niềm tin vào tương lai làm ăn, sinh lời của vốn đầu tư trong trung, dài hạn. Đến nay, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tạo ra lợi thế xuất siêu của nền kinh tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc duy trì và gia tăng mức vốn thực hiện giải ngân là yếu tố quan trọng hàng đầu, thể hiện sự chủ động của nhà đầu tư nước ngoài nhằm hoạt động lâu dài tại Việt Nam.
Một số dự án tiêu biểu, có quy mô lớn đã được cấp phép như dự án "Thành phố thông minh" tại Đông Anh (Hà Nội), với tổng vốn đầu tư khoảng 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Dự án "Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng", vốn đăng ký 1,2 tỷ USD do Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án của Công ty TNHH Laguna (Singapore) tại Thừa Thiên - Huế điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD...
Hiện nay, có một số động thái cho thấy kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 sẽ khả quan. Đơn cử, đại diện Tập đoàn SK (Hàn Quốc) vừa có chuyến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam cùng với xác nhận là quan tâm đến các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, cũng như doanh nghiệp tư nhân để đầu tư trong thời gian tới. Tập đoàn này cũng muốn tận dụng cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại để nghiên cứu khả năng hình thành một trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp hỗ trợ khởi nghiệp... Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, ASEAN... đều xác định Việt Nam là thị trường hấp dẫn, giàu tiềm năng, hứa hẹn tương lai sáng sủa trong trung - dài hạn cho dòng vốn đầu tư.
Đáng lưu ý là, trong dịp tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài vừa qua, có 24 văn kiện hợp tác, thỏa thuận về ý định, cam kết đầu tư từ phía đối tác nước ngoài vào Việt Nam đã được trao; với tổng vốn đăng ký lên tới 11 tỷ USD. Như vậy, chỉ cần một phần trong số vốn nói trên được hiện thực hóa cũng sẽ là nguồn bổ sung không nhỏ vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới Việt Nam sẽ chú trọng gia tăng chất lượng hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, cho ra đời sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam kiên quyết rà soát, từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều đất đai, hoặc đe dọa môi trường. Hơn nữa, Chính phủ cũng chỉ đạo, đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài kết hợp bảo đảm quyền tự chủ, duy trì sự năng động của nền kinh tế; lựa chọn kỹ đối tác đầu tư, từng bước hạ thấp tỷ trọng lắp ráp, gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Các cấp có thẩm quyền sẽ tăng cường công tác hoàn thiện thể chế (kinh tế - PV), khung khổ pháp lý theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Từ thực tế trên cho thấy, khả năng năm kế hoạch 2018 sẽ kết thúc với sự thành công trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.