Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Một năm "được mùa"

Hồng Sơn| 01/01/2014 06:24

(HNM) - Năm 2013 đi qua, để lại điểm sáng nổi bật là kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài với lượng vốn mới đăng ký tăng gấp đôi so với dự báo từ đầu năm.

Những con số ấn tượng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013 cả nước thu hút 21,6 tỷ USD vốn ĐTNN, tăng 54,5% so với năm trước. Phần lớn số vốn mới cấp phép tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghệ cao (chiếm 77% tổng vốn). Điều này cho thấy, dòng vốn không những được khơi thông với tốc độ cao mà còn "chảy" đúng hướng; hứa hẹn sẽ phát huy tác dụng tích cực đối với công cuộc CNH-HĐH và kích thích tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) ĐTNN đã giải ngân 11,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước, cũng là một thành tích đáng ghi nhận. Có được những kết quả khả quan trên là do sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Chính phủ, đặc biệt là sự vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác quảng bá, mời gọi đầu tư cũng như đôn đốc nhà đầu tư thực hiện cam kết giải ngân như đã đăng ký với cơ quan chức năng hoặc chính quyền các địa phương.

Dây chuyền lắp ráp máy in tại Cty Canon Việt Nam, một trong những doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao trong năm 2013. Ảnh: Tuấn Anh


Diễn biến thu hút vốn ĐTNN năm qua cũng có đặc điểm mới, đáng mừng là sự xuất hiện trở lại của một số dự án quy mô lớn hoặc rất lớn; trong khi trong các năm trước thiếu vắng dự án lớn. Đó là sự tham gia thị trường của dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng, tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử. Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên của Singapore, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử…

Các chuyên gia nhận định, khu vực có vốn ĐTNN đang ngày càng đóng góp lớn hơn cho xã hội, nhất là tạo ra hơn 2 triệu việc làm trực tiếp, thu nộp ngân sách, chuyển giao công nghệ… Đặc biệt, năm 2013 DN ĐTNN đạt kim ngạch xuất khẩu 88,4 tỷ USD (kể cả dầu thô), chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng 22,4% so với năm trước. Thực tế này cho phép DN ĐTNN xuất siêu gần 14 tỷ USD, từ đó góp phần bù đắp và kịp thời làm cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu cho nền kinh tế do khu vực DN trong nước đã rơi vào tình trạng nhập siêu ở mức độ lớn.

Tiếp tục củng cố môi trường đầu tư

Như vậy, xét về cả hai tiêu chí là vốn cấp mới cũng như vốn giải ngân đều đạt mức cao, rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra yêu cầu là từng bước nâng cao chất lượng ĐTNN, tăng tỷ lệ xuất khẩu của DN ĐTNN, mức độ nội địa hóa… Nhưng trước hết là nâng cao tính khả thi của dự án, chủ động phòng tránh tình trạng DN xin cấp phép nhưng chậm triển khai, thậm chí chây ỳ, từ đó làm lãng phí nguồn đất, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển chung tại các địa bàn. Những năm qua vẫn xảy ra tình trạng này, dẫn đến việc cơ quan chức năng buộc phải rút giấy Chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư.

Gần đây một số chuyên gia đã lưu ý một thực tế là, mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh của khối DN ĐTNN nhìn chung rất khả quan, mang lại nhiều lợi nhuận cho chủ đầu tư, nhưng đến nay sức lan tỏa của DN ĐTNN đối với đời sống KT-XH nói chung còn hạn chế. Điều này là đáng tiếc bởi DN nước ngoài thường có công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt thị trường. Ngược lại, nếu thiết lập được mối liên kết chặt chẽ giữa DN ĐTNN với DN trong nước sẽ tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm ngay trong chuỗi sản xuất trong nước, đồng thời là cơ hội cho DN nội địa trở thành nhà cung cấp linh kiện hoặc đảm nhận một số dịch vụ cho DN nước ngoài. Các DN sẽ có thời cơ để chuyển giao và tiếp nhận công nghệ mới, từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ một cách bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Một năm "được mùa"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.