Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Điểm sáng của nền kinh tế

Hồng Sơn| 13/08/2018 07:10

(HNM) - Đến thời điểm này, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất khả quan, thay vì mối lo sụt giảm như trong khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 6.

Lắp ráp máy tính bảng tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Hải Anh


Thu hút thêm gần 23 tỷ USD


Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả nước đã thu hút thêm gần 23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng qua, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, dù mức tăng không phải là mạnh nhưng đủ đánh dấu sự bứt phá, thoát khỏi tình trạng suy giảm như các tháng trước.

Nguyên nhân chủ yếu được xác nhận là do có sự xuất hiện của một số dự án có quy mô lớn, đã được chủ đầu tư theo đuổi từ lâu cùng với tác động từ việc giới đầu tư quốc tế đang chuyển hướng tăng cường đầu tư vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam - với vị thế là quốc gia năng động, có thị trường rộng lớn, vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải và giao thương với thế giới.

Ngoài ra, việc Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết, gồm nhiều quyền lợi trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang trở thành điều kiện hấp dẫn mới để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến đầu tư nước ngoài thời gian qua có một số điểm đáng lưu ý. Đó là, Hà Nội dẫn đầu về kết quả vốn đăng ký mới là 6,17 tỷ USD, bằng gần 27% tổng vốn đăng ký mới của cả nước. Kết quả này đưa Hà Nội vượt xa so với các trung tâm kinh tế, vốn cũng là các cực thu hút vốn đầu tư nước ngoài khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương...

Hoạt động thu hút vốn “ngoại” được thể hiện qua hai dự án rất lớn và tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội là các dự án: "Thành phố thông minh" của Nhật Bản, với tổng vốn 4,138 tỷ USD; Lotte Mall Hà Nội trị giá 600 triệu USD của Hàn Quốc.

Tiếp theo, cơ cấu, phương thức đầu tư cũng có sự dịch chuyển đáng quan tâm, cho thấy sự thay đổi trong cách lựa chọn của nhà đầu tư. Đơn cử, lượng vốn cấp mới chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ thì lượng vốn do nhà đầu tư xin điều chỉnh, tăng vốn lại giảm 15,8%. Ngược lại, riêng lượng vốn do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn lại tăng hơn 53% so với cùng kỳ.

Thực tế trên cho thấy, giới đầu tư đã từng bước chuyển từ hình thức đầu tư từ đầu theo cách “cổ điển” tức là hoàn tất các công đoạn (từ A đến Z) để tham gia thị trường Việt Nam như đã thực hiện từ nhiều năm qua sang cách làm mới là mua cổ phần, mua lại doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này cũng lý giải vì sao làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được xác định là thị trường rất lớn và tiến tới bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai gần.

"Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam. Nhờ đó, họ có thể ngay lập tức có mặt trên thị trường, thay vì mất thời gian đầu tư xây dựng nhà máy, hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu" - ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định.

Một điểm đáng chú ý nữa là 7 tháng qua, kết quả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Như vậy, cả hai tiêu chí về vốn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài đều có mức tăng trưởng, trong đó vốn thực hiện có tốc độ tăng cao hơn.

Duy trì đà tăng tốc

Từ nay đến cuối năm, bức tranh đầu tư nước ngoài vẫn được nhận định là sáng sủa cho cả năm 2018, với một số yếu tố thuận lợi. Trước hết, có thể tiếp tục xuất hiện dự án quy mô lớn, đầu tư vào lĩnh vực quan trọng. Đó là dự án xây dựng, vận hành nhà máy điện khí hóa lỏng trị giá 4 tỷ USD tại Bạc Liêu của nhà đầu tư Mỹ.

Một số “của để dành” khác cũng đáng quan tâm, có thể bổ sung vào kết quả chung năm 2018 như dự án phát triển Khu đô thị I-Town trị giá 350 triệu USD, Nhà máy Sản xuất cấu kiện đúc sẵn 64 triệu USD đều của Singapore. Bên cạnh đó, các đối tác truyền thống, có thế mạnh về vốn và công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... cũng chủ trương đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam và Singapore là đối tác rất phù hợp, với tiềm năng, thế mạnh riêng có thể bổ sung cho nhau trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, nhà đầu tư Singapore tiếp tục quan tâm đến những lĩnh vực quan trọng như điện tử - viễn thông, ngân hàng, năng lượng...

Việt Nam sẽ kiên trì chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng chủ động thông qua hoàn thiện đồng bộ văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó là tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tập trung vào lĩnh vực giao thông nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian và gia tăng tính kết nối với nhau cũng như thực hiện giao thương với thị trường quốc tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Điểm sáng của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.