Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Gia Khánh| 15/02/2023 06:39

(HNM) - Phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức ngày 12-2 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, Samsung sẽ mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, đưa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vừa khánh thành tại Hà Nội cuối năm 2022 không chỉ giữ vị thế hàng đầu Đông Nam Á mà còn trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới. Đồng thời, mở rộng việc bồi dưỡng tài năng công nghệ trong nước và tăng cường quan hệ, đưa các nhà sản xuất trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Đến cuối năm 2022, số nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung lên tới 257, gấp 10 lần năm 2014.

Mô hình đầu tư của Samsung là điều Việt Nam cần và cũng là chủ trương của nước ta trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thực tế những năm qua, không ít dự án quy mô lớn, có công nghệ cao, thân thiện môi trường đã được nhà đầu tư nước ngoài triển khai tại Việt Nam. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế, với những đóng góp lớn về kim ngạch xuất khẩu, việc làm, thu ngân sách địa phương… Song, bên cạnh đó cũng có nhiều vấn đề đáng bàn.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, năm 2021, số doanh nghiệp FDI báo lỗ là 14.293, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020, giá trị lỗ lên tới 168.334 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258, tăng 8% so với năm 2020; doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402, tăng 15%. Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI tăng, song mức đóng góp vào ngân sách chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, khi đây là khu vực được nhiều ưu đãi về thuế, phí, đất đai. Tốc độ tăng của số nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu cho thấy, sự mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn nguồn vốn của nhà đầu tư. Việc tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ cao hơn báo lãi cũng cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận doanh nghiệp FDI chưa hiệu quả. Khó chấp nhận hơn là việc có doanh nghiệp liên tục lỗ, thậm chí mất vốn nhưng vẫn mở rộng đầu tư, khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có chuyện chuyển giá, trốn thuế làm thất thu ngân sách. Thực tế đã có doanh nghiệp FDI bị phát hiện và xử lý truy thu thuế.

Rõ ràng, chủ trương lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, có vai trò lan tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, đóng góp cho nền kinh tế trong nước cần phải được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhất quán, có chọn lọc thay vì thu hút đầu tư bằng mọi giá. Cùng với đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp FDI. Bởi, ưu đãi thu hút đầu tư phải đi kèm với hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư, đóng góp của nhà đầu tư với kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước.

Các doanh nghiệp FDI, với ưu thế về vốn, công nghệ có thể lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác nhưng cũng phải bảo đảm hoạt động công bằng với các khu vực kinh tế khác. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần kiểm tra, làm rõ nghi vấn chuyển giá, trốn thuế, né thuế của một số doanh nghiệp FDI. Nếu luật chưa bao quát hết vấn đề thì đề xuất sửa đổi, bổ sung; khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm và công khai để dư luận biết, không e ngại vì thế mà ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư có chọn lọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.