(HNM) - Qua công khai thông tin 1.847 đơn vị, Cục Thuế TP Hà Nội đã thu hồi 4.491 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế, phí trong năm 2016. Hai tháng đầu năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục công bố 283 doanh nghiệp (DN) nợ thuế, phí kéo dài, với số nợ hơn 271 tỷ đồng...
Các tổ chức, cá nhân tới nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Danh sách nợ thuế nối dài...
Với số nợ thuế từ vài trăm triệu lên tới vài trăm tỷ đồng, danh sách các DN nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục nối dài. Theo Cục Thuế Hà Nội, trong năm 2016, đơn vị đã buộc phải công khai thông tin của 1.847 DN nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất, với tổng số nợ 4.491 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội lại tiếp tục công khai 2 đợt danh sách DN nợ đọng thuế.
Tại danh sách công khai đợt 1, ngành Thuế Hà Nội đã nêu tên 149 DN nợ thuế, phí và tiền thuê đất kéo dài, với tổng số tiền nợ 109,27 tỷ đồng. Đứng đầu nhóm DN nợ thuế, phí là Chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh tại Hà Nội, với số tiền lên đến 5 tỷ đồng. Còn đứng đầu nhóm đơn vị nợ tiền thuê đất là Công ty TNHH MTV Xây lắp hóa chất nợ gần 16 tỷ đồng. Trong danh sách 134 đơn vị nợ thuế đợt 2, với tổng số tiền 162 tỷ đồng, đứng đầu là Công ty cổ phần Sản xuất Thanh Vân nợ hơn 12 tỷ đồng...
Nhận xét về tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn Hà Nội, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, bên cạnh nguyên nhân khách quan như hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, vẫn có một số DN chây ì, có nguồn trả nợ nhưng không thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Để thu hồi nợ đọng, cơ quan thuế sẽ rà soát, phân loại nợ để đưa ra những biện pháp thu hiệu quả. Trên thực tế, việc công khai danh tính DN nợ thuế chắc chắn sẽ gặp phải phản ứng từ phía DN bị nêu tên, song việc làm này cũng sẽ buộc các DN phải chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước nếu không muốn bị "mất điểm" trong mắt đối tác, khách hàng.
Tại cuộc họp triển khai công tác năm 2017 của ngành Thuế Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhận định, mặc dù ngành Thuế đã đẩy mạnh các biện pháp thu nợ, song tỷ lệ thuế nợ đọng có khả năng thu còn lớn. Trong khi đó, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2017 rất nặng nề, với đích đến là 187.572 tỷ đồng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao, ngành Thuế Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017 và định hướng đến năm 2020, đồng thời tập trung quyết liệt thu hồi số thuế nợ đọng, không để nợ mới phát sinh.
Đề xuất nhóm giải pháp thu hồi nợ thuế
Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam |
Để thu hồi số thuế, phí nợ đọng trên địa bàn, đầu tháng 2-2017, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản làm Trưởng ban. Các cơ quan chức năng có liên quan như: Thuế, Hải quan, Tài chính... là thành viên của Ban Chỉ đạo, có nhiệm vụ tham mưu cho thành phố thu hồi hiệu quả số thuế, phí nợ đọng.
Theo ông Mai Sơn, việc xử lý và thu hồi số thuế nợ đọng trên địa bàn TP Hà Nội là một thách thức phải vượt qua của cả cơ quan thuế và DN. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, cơ quan thuế đặc biệt chú trọng công tác quản lý, đôn đốc, cưỡng chế thu hồi, nợ thuế, phí, tiền thuê đất, bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các bước theo quy trình và quy định, không để phát sinh nợ mới. Ngoài ra, ngành Thuế đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế.
Cũng theo ông Mai Sơn, giải pháp quan trọng khác được Cục Thuế đặc biệt chú trọng là phối hợp liên ngành trong đôn đốc thu hồi nợ. Bên cạnh việc thành lập Ban Chỉ đạo thành phố, 30/30 quận, huyện, thị xã cũng thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn. Trách nhiệm trong thu hồi nợ đọng thuế không chỉ của riêng ngành Thuế mà của tất cả các ngành, các cấp khi cùng vào cuộc và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác đôn đốc, cưỡng chế thu nợ.
Đặc biệt, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách những tổ chức, cá nhân nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, minh bạch hóa môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ với ngân sách. Thực tế cho thấy biện pháp công khai danh sách đơn vị nợ thuế đã phát huy hiệu quả; không ít DN trong danh sách công khai nợ thuế cũng như DN nằm ngoài danh sách này đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách, hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết tiến độ trả nợ sau khi việc công bố được thực hiện.
10 doanh nghiệp có số nợ thuế cao Tại danh sách công bố đợt 1, 5 DN có số nợ thuế cao nhất gồm: Chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải tốc hành Mai Linh tại Hà Nội, nợ tính đến ngày 31-12-2016 là hơn 5 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Ngọc nợ 4,838 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhôm kính Thái Dương nợ 3,767 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam nợ 3,693 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lũng Lô 3 - Xí nghiệp Xử lý môi trường và Ứng dụng vật liệu nợ 3,498 tỷ đồng. Tại danh sách công bố đợt 2, Công ty cổ phần Sản xuất Thanh Vân dẫn đầu với số nợ thuế 12,074 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư SICO nợ 10,624 tỷ đồng; Công ty cổ phần Ô tô REGAL nợ 7,461 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sóc Sơn nợ 6,852 tỷ đồng và Nhà máy May xuất khẩu Hà Phú nợ 6,177 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.