Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hồi số tiền thuê đất, sử dụng đất còn nợ đọng: Kết hợp nhiều giải pháp

Hương Ly| 14/06/2016 06:17

(HNM) - Trong tổng số 22.500 tỷ đồng tiền nợ thuế mà Cục Thuế Hà Nội phải thu hồi trong năm 2016, số nợ tiền sử dụng đất lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) thực sự khó khăn, chưa có nguồn tài chính để nộp vào ngân sách, có những dự án do vướng mắc về thủ tục nên chưa thể xác định rõ nghĩa vụ tài chính... Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời kiên quyết thu hồi với những dự án được giao đất nhưng không thực hiện là những biện pháp mà UBND TP Hà Nội sẽ thực hiện nhằm thu hồi số tiền thuê đất, sử dụng đất còn nợ đọng.

Dự án Hongkong Tower (đang được thi công) do Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng làm chủ đầu tư nợ hơn 44,4 tỷ đồng thuế sử dụng đất. Ảnh: Khánh Huy


Nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất

Theo danh sách công khai đợt VI năm 2016 do Cục Thuế Hà Nội công bố mới đây, có 13 dự án nợ tiền thuế đất, với hơn 35 tỷ đồng. Trong đó, DN nợ tiền thuế đất nhiều nhất là Công ty TNHH MTV Mai Động (12,5 tỷ đồng), tiếp đến là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 122 Vĩnh Thịnh (4,84 tỷ đồng), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Thành (2,26 tỷ đồng)... Trong danh sách nợ tiền sử dụng đất được Cục Thuế TP Hà Nội liên tục công khai từ đầu năm 2016 đến nay, dự án Hongkong Tower (243A - Đê La Thành, quận Đống Đa) do Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng làm chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất hơn 44,4 tỷ đồng. Dự án này gồm hai tòa nhà, tòa A cao 27 tầng, tòa B 23 tầng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017 và được chủ đầu tư giới thiệu "có vị trí vàng" ở Hà Nội. Trong danh sách DN nợ thuế mà Cục Thuế Hà Nội công bố đợt V (năm 2016) hồi đầu tháng 5 vừa qua, dự án này nợ tiền sử dụng đất nhiều nhất.

Nhận xét về việc hàng loạt dự án nợ tiền sử dụng đất mà ngành thuế Hà Nội công khai thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét: Số nợ đọng tiền sử dụng đất tại các dự án bất động sản khá lớn là do hệ quả của việc thị trường đóng băng kéo dài nhiều năm, hàng tồn kho bất động sản quá lớn. Song còn một nguyên nhân khác là do cách tính tiền sử dụng đất hiện nay còn nhiều bất cập. Đơn cử, với những khu vực trong dự án có chức năng kinh doanh cho thuê, phải khai thác trong nhiều năm, thậm chí kéo dài tới 50 năm, nhưng cách tính thuế đất hiện nay là gộp doanh thu luôn của nhiều năm đó và buộc DN phải nộp một lần. Như vậy, DN phải ứng trước tiền thuế đất cho nhiều năm của tương lai. Cách tính này làm khó DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Trong khi đó, DN thực hiện dự án sử dụng đất ở Việt Nam hầu hết là DN vừa và nhỏ, nguồn vốn eo hẹp. Do vậy, Nhà nước quy định DN chỉ cần bảo đảm nguồn vốn đủ 15% tổng mức đầu tư dự án là có thể giao cho họ làm chủ đầu tư. Số tiền này trên thực tế không đủ cho DN thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, còn nhiều chi phí, thủ tục khác của dự án cần phải chi trả. Để có thể nộp trước tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi chủ đầu tư chỉ trông đợi vào nguồn tài chính có được từ việc huy động vốn là câu chuyện không đơn giản. Thế nhưng, cũng có một thực tế là: Khi đã huy động được nguồn tiền, có DN nghiêm túc nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho Nhà nước, nhưng cũng có không ít DN tận dụng nguồn vốn này để đầu tư dự án khác. Nếu không may các dự án gặp phải rủi ro, sẽ dẫn đến rủi ro cho cả dự án đã huy động được vốn. Điều này khiến DN và cả những khách hàng mua nhà tại các dự án này phải đối mặt với rủi ro khó có thể lường trước.

Chia nhỏ số tiền thuê đất để thu hồi

Để thu hồi tiền nợ sử dụng đất, tiền thuê đất, UBND thành phố yêu cầu Cục Thuế Hà Nội nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp DN duy trì, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó có nguồn lực để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, giải quyết theo thẩm quyền đối với các dự án đã có văn bản báo cáo không tiếp tục thực hiện và đề nghị thu hồi đất tại các dự án không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng do không còn phù hợp với quy hoạch.

UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát, giải quyết đề nghị của chủ đầu tư các dự án về việc chuyển đổi từ mục đích kinh doanh dịch vụ sang mục đích kinh doanh dịch vụ kết hợp nhà ở. Trường hợp đủ điều kiện, tham mưu trình UBND thành phố điều chỉnh mục đích sử dụng đất để xác định lại nghĩa vụ tài chính phải nộp của dự án. Trường hợp không đủ điều kiện chuyển đổi cũng sớm có văn bản trả lời để chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đúng quy định.

Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Để công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế trên địa bàn đạt hiệu quả, Cục Thuế Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc đôn đốc, thu hồi nợ. Cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng công khai những đơn vị nợ thuế kéo dài, đặc biệt là các dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lâu ngày, có số nợ lớn hoặc đã được UBND thành phố quyết định gia hạn, nhưng không chấp hành nộp nợ đúng thời hạn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, để các DN hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, ngoài việc tuyên truyền, vận động để DN thấy rõ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ, hay áp dụng các biện pháp cưỡng chế, Nhà nước cần nghiên cứu cải thiện cách tính tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Với những khoản thuế đất phải nộp ngay thì thu một lần. Phần nào dự án kinh doanh dài hạn thì nên chia nhỏ và thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất hằng năm theo thực tế kinh doanh của dự án. Nếu dự án bị lỗ do tình hình thị trường, nên xem xét miễn thuế cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi số tiền thuê đất, sử dụng đất còn nợ đọng: Kết hợp nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.