Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hồi nợ đọng thuế: Sẽ có giải pháp mạnh

Đức Anh| 16/12/2019 08:02

(HNM) - Thời gian qua, một số doanh nghiệp có số nợ thuế lớn đã được Cục Thuế thành phố Hà Nội công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không nộp trả nợ vào ngân sách. Do vậy, thời gian tới, nhiều biện pháp mạnh sẽ được cơ quan thuế thực hiện nhằm thu hồi nợ đọng hiệu quả hơn.

Triển khai dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở tại địa chỉ 52 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cách đây chục năm, tổng số 270 căn hộ và 17 căn thấp tầng của dự án này đã được bán hết, nhưng Công ty cổ phần Lilama Hà Nội vẫn nợ ngân sách trên 193 tỷ đồng, bao gồm tiền sử dụng đất, thuế, phí và tiền chậm nộp.

Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố Hà Nội, dự án trên có tuổi nợ lên đến 10 năm. Từ năm 2008 đến nay, doanh nghiệp này chỉ nộp 202 triệu đồng tiền thuế trong khi năm 2017 vẫn trả lương cho 111 lao động với tổng thu nhập chịu thuế trả cho cá nhân gần 6 tỷ đồng. Năm 2018, tổng thu nhập chịu thuế là hơn 3,5 tỷ đồng. Doanh nghiệp hiện có công nợ phải thu từ khách hàng gần 113 tỷ đồng.

Thực tế, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội chỉ là một trong hàng trăm trường hợp doanh nghiệp có dòng tiền nhưng vẫn chây ỳ thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai do Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thực hiện cũng có số tiền nợ thuế xấp xỉ 157 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc tiền sử dụng đất là 53 tỷ đồng... Nợ thuế kéo dài, trong khi 398 căn hộ của dự án đã được bán hết và đã bàn giao cho khách hàng đưa vào sử dụng, tiền thu được qua 4 đợt là 90%. Thực tế, doanh nghiệp cũng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng ra quốc lộ 1A. Cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc thu hồi nợ như: Cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, cưỡng chế hóa đơn không có giá trị sử dụng, công khai nợ thuế trên website Cục Thuế thành phố Hà Nội… nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh các doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, vẫn còn một nhóm doanh nghiệp chây ỳ tiền thuế. Những doanh nghiệp này có tình hình sản xuất kinh doanh không quá khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng. Mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp: Cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế; mời doanh nghiệp lên làm việc, trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng họ vẫn cố tình không thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. “Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của thành phố mà còn không công bằng với những doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc, chấp hành tốt nghĩa vụ với Nhà nước”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, thời gian tới cơ quan thuế sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh để thu hồi nợ. Cụ thể, các cơ quan thuế sẽ công khai thông tin định kỳ hằng tháng đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn. Bên cạnh đó, sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy trình, quy định.

Đối với các trường hợp cưỡng chế hóa đơn không hiệu quả, không bảo đảm thu hồi số nợ vào ngân sách nhà nước, Cục Thuế thành phố Hà Nội đang rà soát để thực hiện các bước xác minh thông tin áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo, như: Kê biên tài sản, thu tiền từ bên thứ 3 và thu hồi giấy phép kinh doanh.

"Các trường hợp qua quá trình quản lý đánh giá có dấu hiệu chây ỳ, có dòng tiền luân chuyển nhưng không thực hiện nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước, Cục Thuế đã chuyển thanh tra đột xuất, toàn diện để có cơ sở đánh giá, báo cáo đề xuất UBND thành phố và Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhằm thực hiện các biện pháp mạnh như: Thu hồi dự án, chuyển biện pháp cưỡng chế... để thu hồi tiền nợ thuế vào ngân sách", ông Mai Sơn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi nợ đọng thuế: Sẽ có giải pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.