(HNM) - Nhằm chấm dứt việc lạm thu, năm nay, UBND TP Hà Nội đã chính thức bãi bỏ khoản thu huy động đóng góp của phụ huynh để sửa chữa, mua sắm thiết bị cho nhà trường và cấm các trường tùy tiện lập quỹ, không thu gộp các khoản...
Các khoản thu luôn là nỗi lo của phụ huynh trước thềm năm học mới. Ảnh: Thái Hiền |
Vẫn thu gộp, mập mờ các khoản
Sau lá thư kêu gọi phụ huynh đóng góp để mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất lên đến 980 triệu đồng ở một trường của Hải Phòng, tuần qua, ngay tại Hà Nội, việc Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng, quận Long Biên bị phụ huynh “tố” phải đóng tới vài triệu đồng/học sinh càng khiến dư luận bức xúc. Mặc dù đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, yêu cầu trả lại phụ huynh khoản thu sai, song mối lo của nhiều bậc phụ huynh chưa giảm. Vì sao lại có tình trạng này?
Trở lại sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã quy định rõ đâu là khoản thu theo quy định, đâu là thu thỏa thuận và yêu cầu các trường không được thu gộp các khoản vào dịp đầu năm học, nhưng Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng lại "quên" quy định này.
Phiếu thông báo cho học sinh lớp 1 của trường liệt kê nhiều khoản, gồm sách giáo khoa, đồ dùng học tập, đồng phục... với số tiền gần 2 triệu đồng. Rõ ràng, nếu giáo viên giải thích cụ thể cho phụ huynh biết những khoản thu trên là thỏa thuận, phụ huynh có thể tự nguyện quyết định đăng ký mua hoặc không mua, thì chắc hẳn đã không xảy ra sự việc đáng tiếc.
Chưa hết, ngày 23-1-2018, UBND TP Hà Nội đã có quyết định bãi bỏ Điều 11 của Quyết định 51/2013/QĐ-UBND về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT ngày 26-7-2018 về công tác thu, chi năm học 2018-2019 cũng nêu rõ: Chấm dứt việc thu, chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường theo Điều 11 của Quyết định 51/2013/QĐ-UBND.
Thế nhưng, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Long Biên thì Hiệu trưởng Trường Tiểu học đô thị Việt Hưng chưa kiên quyết và chưa giải thích rõ những quy định liên quan đến ủng hộ, tài trợ, dẫn đến việc các lớp thu các khoản chưa đúng quy định. Sự việc đáng tiếc này cũng là bài học chung cho tất cả trường trên địa bàn thành phố.
Bao giờ bớt "nóng"?
Sau mỗi sự việc được phản ánh, mối bận tâm của nhiều bậc phụ huynh không phải là việc nhà trường có trả lại khoản thu sai hay không, mà là việc cơ quan chức năng sẽ xử lý người có hành vi sai phạm và hiệu trưởng nhà trường để xảy ra lạm thu như thế nào?
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Hội (huyện Đông Anh). Ảnh: Bá Hoạt |
Bà Lê Thị Oanh (phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa) bức xúc: “Có rất nhiều sự việc về lạm thu bị "điểm mặt, chỉ tên", nhưng kết cục chung chỉ là trả lại khoản thu sai mà hiếm thấy hiệu trưởng, giáo viên nào liên quan bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, phần lớn chỉ bị nhắc nhở, phê bình. Vì vậy tình trạng thu bừa, thu ẩu vẫn tái diễn”...
Trong khi đó, Điều 24, Nghị định 138/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ: Nếu vi phạm quy định về học phí, lệ phí hoặc các khoản thu khác thì ngoài việc phải trả lại khoản thu sai, người vi phạm còn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) nhận định: Trách nhiệm lớn nhất khi để xảy ra lạm thu là hiệu trưởng nhà trường và cũng đã có hiệu trưởng bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến vấn đề này. Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, thanh tra, song lạm thu vẫn rất nhức nhối, nhất là vào dịp đầu năm học mới.
Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục để giải quyết những vướng mắc trong việc kêu gọi, tài trợ... nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng để thu nhiều, thu sai, đồng thời tạo thuận lợi cho việc huy động nguồn lực để đầu tư cho giáo dục.
Cũng theo ông Trần Tú Khánh, để xảy ra lạm thu còn có nguyên nhân từ phụ huynh. Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh có quyền từ chối ủng hộ những khoản đóng góp không phù hợp.
Tuy nhiên, ít ai hiểu rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc vì nhiều lý do mà không muốn, không dám ý kiến. Đây là nội dung cần phổ biến rộng rãi hơn nữa để phụ huynh cùng đồng hành, có trách nhiệm trong việc tạo thuận lợi để học sinh được học tập tốt nhất.
Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân; không được quyên góp các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, sau khi chi tiêu phải báo cáo quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp, trường. Các nhà trường phải chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các nhà trường để chấn chỉnh tình trạng lạm thu; có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng thực hiện thu chi không đúng quy định. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.