(HNM) - Thông tư số 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an (BCA) có hiệu lực từ ngày 15-2-2016 đã tạo
Theo quan điểm của nhiều người thì "quy định này có thể sẽ là kẽ hở, dễ bị lợi dụng trong quá trình thực thi". Ngược lại, một số khác cho rằng, chỉ nên hiểu "trưng dụng" như cách "huy động" trong tình huống cấp bách, tạo điều kiện cho CSGT hoàn thành nhiệm vụ… Để có một cách nhìn khách quan về quyền trưng dụng của CSGT, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề trên nhiều phương diện.
Theo Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng Luật sư Đồng đội, ở góc nhìn pháp luật thì giới nghiên cứu nhận định rằng “quy định này là trái với Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 (Luật TMTD); trái Hiến pháp 2013, trái với quyền sở hữu tài sản trong Bộ luật Dân sự”. BCA lại cho rằng, Thông tư 01/2016/TT-BCA không trái luật vì khái niệm “trưng dụng” trong văn bản này dùng khác với khái niệm trong Luật TMTD. Tuy nhiên, để bảo đảm quy định này được thực thi hiệu quả, BCA đã có công văn hướng dẫn về thẩm quyền trưng dụng của CSGT. Trước những thông tin trái chiều, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc và hiện nay đang trong quá trình xem xét.
Theo như quy định tại Luật TMTD thì thẩm quyền trưng dụng chỉ bao gồm Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời cũng nêu rõ không được phân cấp. Do đó, việc Thông tư 01/2016/TT-BCA trao quyền trưng dụng cho CSGT là không thực sự phù hợp với quy định của Luật TMTD. Ngoài ra, BCA quy định về thẩm quyền trưng dụng nhưng lại không quy định như thế nào là trưng dụng hay các trường hợp được phép trưng dụng, trình tự thủ tục thực hiện việc trưng dụng. Một lý do nữa dẫn đến những phản ứng gay gắt của người dân là do thẩm quyền này không được giao cho ai khác mà chính là lực lượng CSGT - lực lượng thường xuyên tiếp xúc với người dân và có một số CSGT đã không làm đúng chức năng trong khi thi hành công vụ, tiêu cực gây dư luận không tốt trong thời gian qua. Vậy nên, việc quy định cho CSGT thêm quyền trưng dụng sẽ dễ bị lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Quyền tài sản, quyền sở hữu, quyền tự do cá nhân của người dân khi đó bị xâm hại gây phức tạp cho xã hội.
Tuy nhiên, xuất phát từ chức năng đặc biệt của lực lượng này được quy định tại Điều 14 Luật Công an nhân dân, có thể thấy việc quy định cho CSGT có quyền trưng dụng tài sản là hợp lý. Bởi lẽ, việc bảo vệ an ninh quốc gia rất cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức cũng như sự giúp đỡ và ủng hộ từ phía nhân dân. Thực tế cho thấy, các vụ án do thiên tai, hỏa hoạn… gây thiệt hại không ít và có phần nặng nề hơn vì lực lượng công an nói chung và CSGT nói riêng không có quyền trưng dụng tài sản, các phương tiện kỹ thuật cao. Vì vậy, mục đích của việc ban hành thông tư này muốn tạo điều kiện thuận lợi cho CSGT khi thi hành nhiệm vụ cũng như phối hợp với các lực lượng khác để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp là cần thiết.
Nhưng tại sao lại không thay thế biện pháp trưng dụng bằng một biện pháp khác là huy động? Cần hiểu, trưng dụng là việc cơ quan nhà nước tạm lấy đi (vật hoặc người thuộc quyền sở hữu hay quyền quản lý của tư nhân, tập thể hay cơ quan, xí nghiệp cấp dưới) để sử dụng trong một thời gian nào, một công việc nào đó, do yêu cầu đặc biệt; huy động là điều một số đông, một số lớn nhân lực, vật lực vào một công việc gì đó (Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội 1988). Trưng dụng và huy động có thể có hình thức giống nhau nhưng khác nhau về nội dung, trình tự, thẩm quyền.
Huy động mang nhiều tính thuyết phục, tự nguyện, người có tài sản huy động vẫn có quyền có thể từ chối, tuy nhiên cũng có thể bị chế tài. Trưng dụng mang tính bắt buộc cao hơn, người có tài sản trưng dụng phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định quyền trưng dụng trong Thông tư 01/2016/TT-BCA mới đây chính là sự phát triển về quyền trưng dụng tài sản trong Luật TMTD 2008. Vì vậy, việc quy định là trưng dụng chứ không phải huy động một phần nào đó sẽ gây áp lực tâm lý cho cả người dân lẫn người thực thi nhiệm vụ, quyền hạn.
Luật sư Trần Xuân Tiền: Có thể thấy, khi một văn bản quy phạm pháp luật có ảnh hưởng lớn đến người dân cần đứng trên quyền lợi của nhân dân, phải đánh giá vấn đề xã hội học một cách nghiêm túc, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về ban hành văn bản, phải được cơ quan có trách nhiệm thẩm định kỹ càng trước khi ban hành. Khi thấy không phù hợp cần khắc phục sửa đổi chứ không nên bao biện, né tránh, giải thích vòng vo làm cho nhân dân cảm thấy không được tôn trọng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.