Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm

Theo chinhphu.vn| 29/09/2013 18:00

Ngày 29/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại phiên họp Chính phủ tháng 9/2013. Ảnh: VGP.


Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013 diễn ra ngày 29/9, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng qua, phương hướng trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết: Bên cạnh tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng năm 2013, Chính phủ cũng thảo luận đến các vấn đề dài hạn hơn, đánh giá qua 3 năm qua, đã thực hiện được nhiệm vụ Đảng, Quốc hội đề ra như thế nào và 2 năm còn lại cần làm những gì, từ đó đề ra những mục tiêu, những giải pháp lớn cho năm tới, sắp tới báo cáo BCH Trung ương, Quốc hội.

Chính phủ cũng xem xét báo cáo về tái cơ cấu, để Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem thời gian qua chúng ta đã làm được những gì, tới đây cần tiếp tục đẩy mạnh ra sao.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết thêm: Về tình hình KT-XH tháng 9 và 9 tháng, xin nói vắn tắt, nhận định mấy tháng gần đây đều giống nhau, cho thấy dự báo tình hình từng tháng tốt hơn rất nhiều. KT-XH tiếp tục phát triển theo đà tốt, trên tất cả các mặt. Tuy nhiên, tốc độ tiến bộ chưa như mong muốn.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, có thể nói những gì chúng ta nhận định từ đầu năm và qua điều hành 9 tháng vừa qua thì cuối năm cơ bản cố gắng đạt được chỉ tiêu đề ra. CPI tháng 9 tăng trên 1%, chủ yếu do giá dịch vụ, trong đó có việc khai giảng năm học mới, nhưng CPI 9 tháng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Dư địa 3 tháng còn lại, nếu theo chỉ tiêu đã trình Quốc hội và định hướng điều hành là 7% thì còn trên 2%, lấy số tròn là 0,8% một tháng. Theo tính toán những năm trước, năm nay sẽ đạt được chỉ tiêu về lạm phát.

Về tiền tệ, tỷ giá được duy trì tốt, ổn định. Tín dụng có tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng như tháng trước chúng ta nhận định, đầu vào tiền gửi tăng trên 11% nhưng đầu ra tăng 6%. Tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng công nghiệp tăng dần theo các quý, quý 3 cao hơn quý 2, quý 1. Cuối năm tăng trưởng GDP có thể đạt 5,4 – 5,5%.

Tổng vốn đầu tư xã hội có tăng, trên 6%, không phải nhiều nhưng trong bối cảnh hiện nay thì chấp nhận được. Qua các báo cáo của các tổ chức quốc tế thì chỉ số cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên, trong đó chỉ số ổn định vĩ mô tăng 19 bậc, biểu hiện cụ thể vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 36%.

Các lĩnh vực xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh, phòng ngừa giảm thiểu tai nạn giao thông tiếp tục tốt. Cụ thể, kinh tế đối ngoại đạt kết quả rất tích cực đàm phán nhiều hiệp định mở thị trường, như thành lập các khu vực thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan và gần đây nhất là đàm phán TPP. Có nhiều nhiều mục đích nhưng mục đích trung tâm là mở cửa thị trường cho hàng hóa trong nước có thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, mặc dù tình hình KT-XH như vậy nhưng chúng ta không lơ là. Chẳng hạn, dư địa lạm phát, lấy số tròn là 2,4% cho 3 tháng, nhưng nếu lơ là, tháng nào cũng trên 1% thì cả năm sẽ trên 7% . Về tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng ta đã làm nhưng phải nói thẳng thắn là có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng sau, quý sau cao hơn tháng trước, quý trước nhưng cần xét tới mặt ngược lại là còn nhiều DN ngưng hoạt động.

Nhiều chính sách, như báo chí nói như NQ 01, 02, hỗ trợ thị trường bất động sản, chúng ta đã đề ra nhưng đến cuộc sống còn chậm. Vấn đề này cần chỉ đạo quyết liệt. Tinh thần mà Chính phủ chỉ đạo, đúng như tinh thần là Chính phủ kiến tạo, xem DN khó ở đâu, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng trực tiếp gỡ khó ở đó.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết thêm: Trong cuộc họp Chính phủ hôm nay, do Đoàn công tác của Thủ tướng vừa có chuyến thăm chính thức CH Pháp, Thủ tướng Chính phủ có nói là trong hội đàm với Thủ tướng Pháp, bên bạn, ngoài thành viên Chính phủ thì đưa các chủ DN có các dự án tại Việt Nam vào ngồi cùng bàn đàm phán và nói rất rõ DN vướng chỗ nào và đề nghị phía Việt Nam trả lời. Qua đó, cho thấy tất cả các nước đều rất quan tâm đến tháo gỡ khó khăn cho DN.

Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời trực tiếp câu hỏi của báo chí.

PV Phương Thủy, Báo Lao Động: Vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động đã trình kế hoạch tăng lương cho người lao động để đảm bảo thu nhập, đáp ứng nhu cầu đời sống ở thời điểm lạm phát tăng, Chính phủ phản ứng về kế hoạch của Tổng Liên đoàn như thế nào?

Và vừa qua có vụ Công ty Nicotex, ở Thanh Hóa chôn thuốc trừ sâu xuống đất, điều này đã gây quan ngại lớn cho dư luận, và có thể gây ra "các ổ bệnh ung thư, làng ung thư". Vậy xin hỏi quan điểm của Chính phủ xử lý Công ty này như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Về câu hỏi thứ nhất, nếu các bạn nhớ lại thì Trung ương đã có một kỳ hội nghị bàn riêng về tiền lương. Về tiền lương thì số liệu, phân tích cụ thể, các bạn có thể tìm thấy đầy đủ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Còn tôi nói nôm na tiền lương có 2 phần. Một phần là lương công chức, viên chức, người có công, các đối tượng cần trợ giúp... và một phần là lương tại DN. Phần bạn nói là liên quan đến lương DN.

Hiện nay, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn đang trình phương án điều chỉnh lương của DN. Vấn đề lương của DN có hai mặt, là bao giờ chúng ta cũng muốn người lao động hưởng lương cao nhưng nếu cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Chúng ta thường nói chúng ta có nhiều lợi thế thu hút đầu tư trong đó có lợi thế là người VN cần cù, sáng tạo và lương thấp. Vì vậy, điều chỉnh thì phải rất cân đối, hài hòa.

Tinh thần thì cũng dễ tính, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế, ví dụ 5-6%, cùng với lạm phát, ví dụ khoảng 7%, cộng lại khoảng 12%, rồi cộng theo đà phát triển lên tiếp khoảng 2-3% nữa, thì bình thường các phương án mà các Bộ, ngành và Tổng Liên đoàn đang tính là đề nghị mức lương tối thiểu tăng khoảng 14-15%… Các cơ quan, bộ, ngành đang tính toán, trình Chính phủ.

Nhân đây, chúng tôi nói thêm sức ép về ngân sách rất lớn. Các bạn hình dung nếu ngân sách thu 100 đồng thì phần dành cho trả nợ, nói số tròn, khoảng 15%; một phần dành cho đầu tư phát triển, trước đây mình đầu tư nhiều, thậm chí lên đến 40%, nhưng gần đây đã giảm xuống, năm ngoái còn khoảng 20%, cộng lại là 35%; còn lại là 65% là chi thường xuyên trong đó khoảng một nửa là chi cho lương, cho công chức, viên chức, những người chưa phải là công chức nhưng hưởng các định suất lương ở địa phương, chi cho người có công… Bức tranh tổng thể về lương là như vậy.

Tôi cũng xin nói rằng có sức ép rất lớn về tăng lương cao, đối với DN cần cân đối nếu tăng lương cao quá thì sẽ không còn sức cạnh tranh, còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách không có vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi, tôi nói số tròn, trong đó hơn một nửa là chi cho lương. Nếu các bạn muốn làm rõ thêm thì tôi nhớ không nhầm, trong đó chi cho lương công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên, số tròn là 9%, cho đội ngũ sự nghiệp (giáo viên, y tế) là trên 35%, lực lượng vũ trang khoảng 25% còn lại là người có công, đối tượng là cán bộ xã, cán bộ không phải là biên chế nhưng được hưởng định suất lương khoảng 6,5%.

Về câu chuyện Công ty Nicotex, báo chí cũng nói nhiều, khi có thông tin này Chính phủ cũng yêu cầu Thanh Hóa báo cáo và tỉnh đã, đang làm như báo chí phản ánh là xử phạt công ty này, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ…

Quan điểm của Chính phủ, như tôi đã nói nhiều lần, những việc liên quan đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân, phải kịch liệt lên án. Và nếu có dấu hiệu vi phạm là phải xử lý nghiêm.

PV Công Khanh, Báo Tiền Phong: Khoản 3, điều 3 Nghị định 36 năm 2012 nêu số lượng Thứ trưởng mỗi Bộ không quá 4 người, với Bộ quản lý Nhà nước nhiều ngành phức tạp thì được nhiều hơn 4 do Thủ tướng quyết định. Nhưng hiện tại Bộ nào cũng quá, phải chăng tất cả đều là Bộ quan trọng có số Thứ trưởng vượt mức như vậy? Sắp tới, Chính phủ có sắp xếp lại theo đúng Nghị định 36 hay sửa Nghị định cho phù hợp thực tế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Chính phủ hiện nay đã yêu cầu tất cả các Bộ báo cáo tình hình công việc của Bộ mình, kiến nghị số lượng Thứ trưởng cần thiết phải có để đảm bảo chức năng Bộ mình. Bộ Nội vụ đã tổng hợp, đang nghiên cứu để đề xuất phương án, mỗi Bộ cần bao nhiêu Thứ trưởng. Ý kiến của Bộ Nội vụ đã được chuyển đến các Bộ. Hiện nay các Bộ đang trao đổi. Chính phủ sẽ bàn riêng về việc này. Còn nói số lượng Thứ trưởng hiện nay, tôi xin nói rằng, kể cả cấp phó của các Bộ, các Cục trực thuộc, đúng là có tình trạng như bạn nói. Có thể nói rằng, tuyệt đại đa số các Bộ đều có số lượng Thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định.

Về lý do, các bạn cũng đã biết, chúng ta tiến hành sắp xếp lại các Bộ, hoàn thiện các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thực tế hoạt động của bộ máy chính quyền của chúng ta, bộ máy chính quyền ở đây không chỉ là hành chính mà trong bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, có những nét đặc thù. Đơn cử, tại VPCP, chúng tôi hiện nay có 6 Thứ trưởng. Khi Thủ tướng và 4 Phó Thủ tướng đi công tác, bao giờ cũng có văn bản thông báo chỉ đạo điều hành, vì vậy cần có 1 đồng chí tháp tùng để giúp việc tại các sự kiện đó, do đó, cần tới 5 người. Đặc thù như ở VPCP trước đây, vào thời điểm gia nhập WTO, cần xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật nên có Ban xây dựng pháp luật. Sau thời điểm đó, tổ chức lại thì còn 1 đồng chí Phó Chủ nhiệm chuyên trách phụ trách xây dựng pháp luật.

Trước đó, chúng ta tập trung sắp xếp doanh nghiệp nhà nước nên có một đồng chí Phó Chủ nhiệm chuyên trách, làm Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Như vậy, số lượng Phó Chủ nhiệm đã nhiều hơn 4. Nhưng thực sự VPCP hiện nay lúc nào cũng thấy thiếu.

Tinh thần chung Chính phủ chỉ đạo là sẽ xem xét, rà soát số lượng Thứ trưởng ở các Bộ để tùy từng Bộ, có số lượng Thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4. Có những Bộ như Bộ KHĐT, Tài chính gần như cuộc họp nào cũng cần có đại diện. Còn tinh thần chung sẽ là ở mức tối thiểu. Chúng tôi đang bàn, tới đây Chính phủ sẽ bàn và kết quả sẽ thông báo cho các bạn. Chắc chắn đây là một việc Chính phủ sẽ phải báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng.

PV Thanh Thủy, Báo VnExpress: Vừa rồi Thủ tướng trao đổi với doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ theo lộ trình là sẽ cổ phần hóa, tư nhân hóa Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước. Trong lộ trình tái cơ cấu, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đóng vai trò như nào trong nền kinh tế khi mà trong Hiến pháp vẫn quy định Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước vẫn đóng vai trò là trụ cột của nền kinh tế? Có thay đổi gì trong chủ trương tái cơ cấu DNNN hay không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Bạn có chắc Hiến pháp nêu như vậy không? Nếu tôi nhớ không nhầm là trong Cương lĩnh, trong Đề án sửa đổi Hiến pháp, Điều 50, 51 có đề cập là kinh tế Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Hai khái niệm này khác nhau. Kinh tế Nhà nước có thể hiểu nôm na là hệ thống tổng thể các cơ chế chính sách và nguồn lực của Nhà nước, trong đó có DNNN, ngoài ra có hệ thống ngân sách Nhà nước, hệ thống các quỹ… Đó là tiềm lực nòng cốt. Nhưng Hiến pháp 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu rõ tất cả các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành của nền kinh tế và đều cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước như kinh tế tư nhân phát triển. Nhà nước sẽ bảo hộ các sở hữu hợp pháp của tất cả các tổ chức. DNNN có vai trò quan trọng. Nhà nước đã tiến hành sắp xếp DNNN và đây là quá trình dài, hơn 10 năm qua, từ 12.000 DNNN, chúng ta đã sắp xếp, cổ phần hóa, bán khoán cho thuê, còn lại hơn 1.300 doanh nghiệp. Chúng ta đã có lộ trình và sẽ tiến hành cổ phần hóa các DN.

Cổ phần hóa không chỉ là vấn đề sở hữu vốn, mà vấn đề là thay đổi quản trị của doanh nghiệp đó. Khi có yếu tố ngoài Nhà nước tham gia, quá trình quản trị doanh nghiệp phải hoàn toàn minh bạch, công khai và theo tiêu chí chung của quốc tế. Đối với từng ngành cụ thể, Chính phủ sẽ quy định mức trần cổ phần, và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, các cổ đông nước ngoài có thể mua. Ví dụ trong ngân hàng, có các ngân hàng lớn là Vietinbank, Vietcombank, BIDV cũng đã cổ phần hóa. Hiện nay mức trần được Chính phủ cho phép là 30%. Tới đây xem xét nâng mức đó lên. Cổ phần hóa không có nghĩa chúng ta phải bán hết, cũng không có nghĩa là phải giữ lại 70% hay 51%, mà tùy từng ngành, từng lĩnh vực. Vai trò chủ đạo, nòng cốt không chỉ nằm ở quy mô và số lượng của doanh nghiệp. Ngay trong một doanh nghiệp, ví dụ như ở nước ngoài, không nhất thiết Nhà nước phải giữ đa số, dù Nhà nước chỉ có 1% cổ phần thì đấy là cổ phần vàng, Nhà nước vẫn được quyền quyết định. Vì vậy, việc tiến hành cổ phần hóa DNNN hoàn toàn không trái với định hướng, cương lĩnh và Dự thảo Hiến pháp. Điều này chỉ làm cho DNNN hiệu quả hơn, đảm đương chức năng quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có chức năng dẫn dắt.

PV Nguyễn Dũng, Báo điện tử Infonet: Vụ việc trong ngành Y, trong vụ nhân bản xét nghiệm trước đây đã được các cơ quan báo chí đề cập. Tiếp đến là vụ việc tố cáo tráo thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội. Khi chúng tôi làm việc với cả 2 bên, phía người tố cáo và phía lãnh đạo Bệnh viện đều rất mong muốn sự việc được sáng tỏ. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ quan tâm thế nào về việc nào và theo Bộ trưởng, vụ việc ở Bệnh viện Mắt Hà Nội sẽ được xử lý thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Quả thật là đã có thêm một vụ việc rất buồn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vấn đề y tế liên quan đến tất cả mọi người, sức khỏe là quý hơn hết. Vì vậy, trước một hành vi tiêu cực thì tất cả mọi người có tấm lòng đều lên án. Trước một vụ việc cụ thể như vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo xử lý nghiêm. Tuy nhiên việc quan trọng không phải là xử lý cá nhân, tập thể xảy ra sự việc, bởi vì trong ngành Y tế bên cạnh rất nhiều y bác sĩ tốt thì vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều quan trọng nhất là khi xảy ra những vụ việc như vậy, chúng ta phải rà soát lại lý do, nếu cơ chế sơ hở chỗ nào thì chúng ta phải sửa đổi, điều chỉnh, hoặc nếu do lý do chính trị tư tưởng thì chúng ta phải chấn chỉnh chung. Tôi được biết ngành Y tế đang chấn chỉnh quyết liệt, một mặt để nâng cao y đức, một mặt phải xem lại quá trình xã hội hóa đầu tư y tế.

Trước đây chúng ta chỉ có Nhà nước đầu tư vào y tế, giờ đã có nhiều thành phần xã hội tham gia. Câu chuyện nhân bản xét nghiệm là như vậy. Vì vậy, phải xem lại toàn bộ việc xã hội hóa đầu tư y tế. Chúng tôi mong rằng báo chí tiếp tục vào cuộc để phát hiện ra những điều bất cập, để phát hiện các tiêu cực nếu có, để các Bộ, ngành chức năng và ở đây là Bộ Y tế xử lý. Thái độ của Chính phủ là nghiêm túc xem xét, nhưng cũng không quên những cố gắng của ngành Y, không quên rất nhiều gương tốt của các bác sĩ. Chúng ta rất buồn với những trường hợp như vậy, nhưng chắc chắn các y bác sĩ tốt còn buồn hơn rất nhiều.

PV Ngọc Lan, Thời báo Kinh tế Sài Gòn: Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu cho biết thông tin Chính phủ đang chuẩn bị đề nghị Quốc hội nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%. Thứ nhất, tôi xin hỏi nội dung đó có đúng không, và nếu đúng thì lộ trình nới trần bội chi sẽ như thế nào nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đang diễn biến không như mong muốn?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Thứ nhất thông tin Chính phủ sẽ trình Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% là đúng. Chính phủ đã bàn vấn đề này. Lý do là yêu cầu đầu tư rất lớn. Từ HN, TPHCM đến vùng sâu, vùng xa nhất thì đâu đâu cũng có nhu cầu đầu tư từ điện, đường, trường trạm, rồi đến nước, xử lý rác thải… Và chúng ta cũng đều biết Nghị quyết 11, vừa rồi là Chỉ thị chấn chỉnh đầu tư công thì hàng loạt công trình trước đây chúng ta đầu tư nay siết lại, không đủ vốn để làm. Trong khi đó, dù kinh tế chúng ta vẫn phát triển, tăng trưởng ở mức trên 5%, nhưng bằng rất nhiều các giải pháp hỗ trợ DN trong đó có giãn, lui một số thuế, một số biện pháp hỗ trợ khác nên thu ngân sách của chúng ta vẫn tăng nhưng mức tăng của ngân sách không đáp ứng được mức chi theo như mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi lương vẫn phải tăng, đầu tư an sinh xã hội vẫn phải tăng. Và như tôi đã nói thu 100 đồng thì đầu năm nay, năm 2013, chi cho đầu tư còn có 19 đồng. Trước đây chúng ta đầu tư tới trên 30 đồng, thậm chí 40 đồng bây giờ rút dần xuống còn có 19 đồng trong khi yêu cầu đầu tư thì rất lớn.

Chúng ta đã có nhiều lần nói, có những câu hỏi đầy tính khoa học và rất đúng về tính khoa học là tại sao Nhà nước không kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư vào để bớt ngân sách đi. Chúng ta đã kêu gọi rất nhiều nhưng vào rất khó. Bởi vì, nếu muốn nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào đường thì phí thu được phải thật cao mới hoàn vốn được, nhưng nếu phí thu cao thì các công ty vận tải và người dân có chịu được không? Hay chúng ta nói xã hội hóa bệnh viện để nhà nước bớt đầu tư nhưng chúng ta khuyến khích rất nhiều nhưng cũng chỉ được đầu tư ít. Bởi vì, một là vấn đề chi trả, nhưng thứ hai, quan trọng nhất là thầy thuốc. Những BV của chúng ta mặc dù điều kiện rất khó khăn nhưng những người thầy thuốc giỏi nhất lại ở đó rồi. Hay trường học, chúng ta cũng kêu gọi xã hội hóa để Nhà nước khỏi đầu tư nhưng chỉ triển khai ở HN, TPHCM có mấy trường công lập, mấy trường bán công, còn ở các tỉnh thì người dân khó có đủ khả năng trả học phí cho trường tư. Vì thế, muốn phát triển được thì vẫn phải giữ mức đầu tư nhất định từ ngân sách Nhà nước, đương nhiên vẫn phải tăng cường để các thành phần kinh tế khác đầu tư vào.

Gần đây các bạn cũng có nghe hình thức đầu tư hợp tác công-tư (PPP), tức là khuyến khích tư nhân nhưng để một mình tư nhân thì không đủ sức đầu tư, để có lãi thì nhà nước hỗ trợ một phần.

Trong bối cảnh đó, cứ bội chi 1% GDP thì tương đương, nói tròn, khoảng 40.000 tỷ đồng. Năm nay chúng ta bội chi 4,8%, và tính ra kế hoạch năm nay tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của chúng ta là 185.000 tỷ đồng, cộng với 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tôi nói số tròn) và một số khoản khác, là 230.000 tỷ đồng (tôi nói số tròn).

Sang năm, để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5%, nếu tốt thì khoảng 5,8-6%, vẫn phải có một phần đầu tư và tính toán tối thiểu thì cũng phải đầu tư khoảng ở mức, tôi nói số tròn, là 255.000 tỷ đồng và cân đối tổng thu - tổng chi thì chúng ta buộc phải đề nghị tăng bội chi và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư.

Nếu theo đúng quy định thì bội chi ngân sách năm nay là 4,8%, Quốc hội đồng ý cho tăng mức bội chi lên 5,3%, cộng với toàn bộ thu từ tiền đất, cộng với một phần thu từ khoáng sản, cộng với một phần xổ số kiến thiết là phải chi cho đầu tư hết nhưng vì năm gần đây chúng ta phải tháo gỡ khó khăn cho DN, phải giảm, giãn một số sắc thuế, do đó, đến bây giờ, tiền thu từ đất không dành được hết cho đầu tư mà phải dành cho chi sự nghiệp.

PV Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TPCHM:
Chủ trương xây dựng nông thôn mới đã có kết quả ban đầu, nhưng triển khai ở một số địa phương có hiện tượng “bán chó làm đường”. Người dân đã rất nghèo khổ rồi nhưng vì yêu cầu đóng góp nhà nước- nhân dân cùng làm để xây dựng hạ tầng nông thôn, đã có những gia đình phải bán chó đi, gần như tài sản cuối cùng để góp vào làm đường giao thông nông thôn. Vậy, quá trình triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới nhìn nhận hiện tượng này như thế nào. Giữa biểu hiện đấy và chủ trương có khoảng cách gì không để điều chỉnh như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn như bạn nói là dành cho Bộ NNPTNT nên chúng tôi sẽ chuyển đến đồng chí Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

Tuy nhiên, tôi cũng nói với bạn như thế này, cách rút tít của bài báo nghe đúng là rất xúc động, nhưng nếu ai cũng hiểu như thế thì rất không tốt. Hiện nay chúng ta có 16 chương trình mục tiêu, trong đó có chương trình xây dựng nông thôn mới, một loạt chương trình mục tiêu khác, tên gọi khác nhau nhưng chủ yếu phục vụ cho vùng sâu, vùng xa. Xây dựng nông thôn mới là 1 chương trình, nhưng nôm na chúng ta chia làm 2 phần. Một phần không cần tiền đầu tư. Tôi về quê thấy một loạt phong trào, những việc không cần tiền và một phần cần phải đầu tư, với mục tiêu làm sao sản xuất ở nông thôn tốt hơn, đời sống của nông dân được nâng lên không chỉ về mặt vật chất, mà tất cả các mặt. Chủ trương chung của Chính phủ chỉ đạo, tất cả các nơi, vừa là chỉ đạo hành chính, vừa là vận động quần chúng, vừa là Đảng lãnh đạo, tất cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt những tiêu chí không cần tiền. Thứ 2, qua đây chúng ta cũng phải có 1 mức đầu tư nhất định để làm hạ tầng cơ sở mà trước hết là hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Nói phát triển nông thôn gắn liền với nông dân, mà chúng ta không sản xuất, ví dụ chỉ làm nhà văn hóa, làm đường , không nói gì đến sắp xếp lại sản xuất thì cũng không lâu bền.

Và làm cái đó thì đương nhiên phải cần tiền. Tiền ở đây, không phải ở đâu cũng có điều kiện giống nhau, nên NSNN vẫn phải dành 1 khoản tiền, dù bây giờ NSNN rất khó khăn. Tôi vừa nói với các bạn về thu chi ngân sách, nhưng chương trình này chúng ta đến nay cũng đã chi trên 4.000 tỷ đồng.

Nếu so với yêu cầu làm đường, kênh mương, chưa nói tới làm nhà văn hóa, chỗ vui chơi, số 4.000 tỷ đồng này rất nhỏ. Tinh thần là kêu gọi người dân cùng làm, cùng đóng góp. Nhiều địa phương làm rất tốt, ví dụ làm đường, hỗ trợ của NN là chỉ cho xi măng, còn người dân góp đá, góp công.

Còn nếu cá biệt ở đâu đó vì bệnh thành tích, trong hoàn cảnh người dân quá nghèo mà đến mức vận động, nói trong ngoặc kép là gần như ép buộc dân phải đóng tiền quá sức của mình như bài báo bạn nói thì không đúng. Chúng tôi tin rằng trường hợp đó là cá biệt. Đó không phải là hình ảnh chung của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tinh thần của nhà nước là khuyến khích nhân dân tự nguyện làm, chứ nhà nước không bắt buộc người dân dù đã nghèo, không có tiền, phải làm. Nơi nào làm điều đó thì không đúng. Tôi tin rằng, bài báo đó nếu đọc được thì chắc chắn đồng chí lãnh đạo ở tỉnh, ở huyện, ở địa phương nào mà bài báo được phản ánh thì chắc chắc các đồng chí đó sẽ điều chỉnh.

PV Minh Đức, Báo Người tiêu dùng:
Tôi xin hỏi một vấn đề về thuế, vừa rồi theo tổng kết của các, Chính phủ giao mức thu thuế khá cao thì các địa phương có hoàn thành trong năm nay. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa rồi, Chính phủ có bàn về việc thất thu thuế không? Trong đó, trường hợp hàng vạn các chủ nhà trọ, chúng ta lại miễn, giãn, hoãn cho họ. Theo thống kê khi đi điều tra thì nếu truy thu, chúng ta có thể truy thu hàng nghìn tỷ đồng trong lĩnh vực này, Chính phủ trong thời gian tới có chỉ đạo gì để đưa ra phương án truy thu thuế đối với đối tượng này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Chống thất thu thuế luôn là nhiệm vụ thường xuyên. Nhất là vừa rồi khi chúng ta đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng báo cáo, nhiều doanh nghiệp tìm cách trốn thuế. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, từ trước tới nay, chúng ta dùng phương thức khoán, sau đó có đàm phán mức khoán. Trong Phiệp họp Chính phủ, có thành viên Chính phủ đã nói đến khái niệm về hiện tượng “băm đôi”. Trong đội ngũ cán bộ thuế, không tránh khỏi có cán bộ chưa hoàn thành chức trách. Bộ Tài chính phải có kế hoạch chống thất thu thuế. Chống thất thu không chỉ để tăng ngân sách trong lúc khó khăn mà đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Câu chuyện các địa phương cho rằng mức thu cao. Bản thân tôi trước đây từng là Chủ tịch tỉnh, là Bí thư tỉnh nên tôi hiểu điều này. Nhưng chúng ta phải cố gắng. Chúng ta nuôi nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng không thể thất thu những khoản đúng ra phải nộp. Đây là điều quan trọng, để đảm bảo giữ công bằng nói chung và công bằng giữa các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nói riêng.

PV Chu Thanh Vân, TTXVN: Hiện nay có 405 dự án thủy điện được Chính phủ quy hoạch và có 172 dự án tiềm năng thủy điện nhỏ không đưa vào quy hoạch. Cùng với đó Bộ Công Thương đã kiến nghị tạm dừng và cho phép đầu tư đến sau năm 2015 là 117 dự án nữa. Tôi muốn hỏi ý kiến của Bộ trưởng về việc chấn chỉnh công tác quy hoạch thế nào và việc xử lý trách nhiệm của những người phê duyệt những quy hoạch đó. Những công trình bị tạm dừng thi công chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, sẽ có hướng xử lý như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam
: Quy hoạch là câu chuyện rất quan trọng. Tất cả các nước đều như vậy. Ở nước ta, chúng ta trước hết phải dựa vào Cương lĩnh, Nghị quyết, rồi đến Chiến lược, quy hoạch rồi đến kế hoạch.

Một trong những điểm quan trọng khi làm quy hoạch là phải đánh giá đúng thực trạng, việc đó đã khó, tuy nhiên không khó bằng việc phải xác định được xu hướng phát triển, dự báo tương lai. Điều đó lúc nào cũng khó, đặc biệt là với nước ta.

Vì sao phải rà soát quy hoạch là vì như vậy, phải xem quy hoạch đó có phù hợp không. Lúc chúng ta lập quy hoạch, chúng ta đã dự đoán đúng chưa, quy hoạch đó đã phù hợp chưa. Chúng ta có rất nhiều quy hoạch. Nhưng khi dự trù nguồn lực thì không rõ và không khả thi, nên phải rà soát, phải điều chỉnh. Trách nhiệm của những người làm quy hoạch không tốt thì phải xem xét. Nếu khả năng dự báo kém thì không còn cách nào khác phải nâng cao. Còn nếu xét trong quy hoạch đó có những điều không bình thường vì lợi ích này, hay lợi ích khác thì chúng ta phải xử lý.

Những công trình nào đưa vào quy hoạch mà bị loại ra, tôi cho rằng đó là chuyện rất bình thường, đó là nhiệm vụ của rà soát, có loại ra và có đưa vào. Những công trình đang làm dở mà do quy hoạch sai mà để lại hậu quả thì điều đầu tiên là phải khắc phục hậu quả đó. Phải thận trọng xem xét lý do quy hoạch sai là do đâu, do khách quan do năng lực, hay do chủ quan do tiêu cực, chúng ta phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật và theo các quy định quản lý công trình.

Trước đây trong tất cả các lĩnh vực chỉ có các cơ quan nhà nước làm, đặc biệt trong quá trình tư vấn và thẩm định, giờ đây đã cho phép xã hội hóa, các doanh nghiệp làm và các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi các doanh nghiệp đã được nhà nước cấp phép để tư vấn và thẩm định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

PV Bích Diệp, Báo Dân trí:
Thưa Bộ trưởng, Bộ Công Thương đã có dự thảo nghị định trình lên Chính phủ trong đó có quy định cấm hình thức kinh doanh theo mô hình kim tự tháp và có những quy định về ký quỹ. Tuy nhiên trước khi Nghị định ra đời thì Chính phủ đã có những chỉ đạo như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người dân và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp. Tôi mong được đại diện của Bộ Công an cho biết vai trò của cơ quan an ninh trong vấn đề này ra sao?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn chúng tôi sẽ chuyển đến Bộ Công an để trả lời. Còn Nghị định thì chúng ta đang làm, sẽ ban hành. Tôi xin nói thêm rằng trong cơ chế hiện nay thì DN được làm những gì pháp luật không cấm. Do đó, để cấm một hình thức kinh doanh nào hay điều kiện cho hình thức kinh doanh nào thì phải có văn bản pháp luật, và hiện nay chúng ta đang làm Nghị định đó. Còn trong lúc chưa có thì Chính phủ xử lý thế nào? Những ai lợi dụng, làm trái pháp luật mà gây tổn hại đến lợi ích chính đáng của người khác thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thái độ của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề này, không bao che, yêu cầu các cơ quan làm nghiêm.

Tôi cho rằng có một việc rất quan trọng và nằm trong tay các nhà báo là phải tuyên truyền để làm sao người dân hiểu đúng. Không thể có một món kinh doanh nào mà đem lại lợi nhuận dễ dàng như các lời quảng cáo. Rất nhiều người bị những lời quảng cáo, dụ dỗ như vậy, cả tin và nghĩ rằng mình có thể kiếm tiền, giàu lên từ hình thức kinh doanh như vậy. Chúng ta phải tuyên truyền để nhân dân hiểu. Nhân dân cần phải cảnh giác còn NN sẽ ban hành các khung quy định, văn bản quy phạm pháp luật quy định, nếu phát hiện các hiện tượng lừa đảo, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân thì pháp luật sẽ nghiêm trị.

PV Lê Bình, VTV: Trong vài tháng trở lại đây, trên thị trường Việt Nam không còn sản phẩm gọi là sữa cho trẻ dưới 6 tuổi, mà thay vào đó là thực phẩm chức năng hay là thực phẩm bổ sung với giá tăng vù vù. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Y tế giải quyết rốt ráo. Mới dây, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ nhi đồng LHQ đã có khuyến nghị mạnh mẽ, nếu khái niệm này không phân định rõ ràng thì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ em Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ về tốc độ xử lý vấn đề này của 2 Bộ Tài chính và Y tế.

Thị trường Việt Nam và Trung Quốc dù có nhiều khác biệt, nhưng cũng nhiều điểm tương đồng. Xuất phát từ thị trường sữa, những bất thường trên thị trường sữa, Chính phủ Trung Quốc đã có thanh tra và yêu cầu một số công ty sữa ngoại nộp phạt lên tới 10 triệu USD. Xin hỏi Bộ trưởng, Chính phủ Việt Nam sẽ thanh tra hay không và nếu phát hiện hành vi thao túng giá thì xử lý như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Tôi đã xem phóng sự (trên VTV) và trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 2 Bộ phải báo cáo ngay và tìm giải pháp. Chưa nói tới xử lý, rõ ràng đây là việc quản lý không tốt và phải đề ra biện pháp. Sau đó, VTV lại tiếp tục có phóng sự nữa khi 2 Bộ gửi báo cáo.

Ngay sáng nay, khi đi công tác về, tôi đã ký văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5/10 phải ban hành danh mục sữa và sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá. Tôi nhớ không nhầm thì đó là điều 15 khoản 2 mục H của Luật giá có quy định sản phẩm sữa dành cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống phải thuộc diện kiểm soát giá. Các Thông tư của Bộ Y tế từ trước tới nay chỉ liên quan tới các sản phẩm cho trẻ em từ 36 tháng tuổi trở xuống (tức là vẫn còn khoảng trống từ 36 tháng tuổi đến 6 tuổi).

Lần này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải ban hành ngay 1 danh mục đầy đủ cho sữa và các sản phẩm từ sữa cho trẻ 6 tuổi trở xuống. Và dựa trên danh mục đó, Bộ Tài chính phải kiểm tra chặt, trên tinh thần không thể để cho những sản phẩm rất cần cho trẻ em lại bị “làm giá”. Thái độ của Chính phủ là rất nghiêm túc.

Tôi có trực tiếp hỏi Bộ trưởng Y tế là liệu gấp như vậy, đến ngày 5/10 thì có làm được không, Bộ trưởng Bộ Y tế nói là sẽ làm được.

Còn chuyện xử lý như thế nào, các cơ quan chức năng sẽ làm.

Bạn có dẫn ra ở Trung Quốc phạt 10 triệu USD, còn ở Việt Nam, phạt bao nhiêu, như thế nào thì theo đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng thái độ là chúng ta nghiêm túc.

Trước đây chúng ta đã nói đến chuyện giá, chuyện lãi thật, lỗ giả để trốn thuế, chúng ta hôm nay nói đến chuyện các doanh nghiệp, tôi tạm dùng từ lợi dụng kẽ hở của pháp luật, kẽ hở của sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để “làm giá”, trục lợi. Chúng ta phải kêu gọi tất cả, kêu gọi các doanh nghiệp, chúng ta sống trong một thời đại xây dựng xã hội dân giàu- nước mạnh- dân chủ- công bằng- văn minh hãy làm giàu một cách văn minh và chúng ta làm việc gì cũng phải có tấm lòng trong đó.

Sự thực, hôm nay tôi cũng nói với các bạn làm ở VTV, phóng sự của các bạn làm, không chỉ riêng cá nhân tôi, mà nhiều người xem, nhiều người nhắn tin cho tôi bày tỏ bức xúc.

Nhân việc này, tôi cũng đề nghị chúng ta cần phải tuyên truyền để kêu gọi nhân dân, kêu gọi doanh nghiệp phải có trách nhiệm với với cộng đồng, phải có tấm lòng.

PV Vũ Lan, Báo điện tử Đất Việt: Tôi xin hỏi về việc Chính phủ xin tăng bội chi ngân sách 5,3%. Với mức xin tăng đầu tư như vậy, Chính phủ có tính đến việc sẽ gây áp lực lên nợ công như thế nào? Chính phủ có tính đến việc tăng bội chi ngân sách mà đầu tư không hiệu quả có gây lãng phí trong đầu tư công không?

Một câu hỏi nữa gửi đến đại diện Bộ Công Thương: Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Xin hỏi Bộ Công thương đã tiếp thu văn bản chỉ đạo này, rà soát và báo cáo như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam:
Chính phủ khi đề ra bất kỳ biện pháp nào, chỉ tiêu nào đều cân nhắc rất kỹ lưỡng. Khi trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại. Khi Chính phủ làm chính sách, trước hết đều có sự tham mưu từ các cơ quan tham mưu, sau đó lấy ý kiến chuyên gia, ý kiến nhân dân qua báo chí. Nâng lên 5,3% là Chính phủ đã tính đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Còn câu chuyện sử dụng nguồn vốn ấy tiết kiệm hay không thì không chỉ việc nâng lên 5,3% mới quan tâm, mà kể cả không bội chi thì cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư.

Ngay trong cuộc họp hôm nay, chúng ta vẫn nói, về vốn ODA, một mặt chúng ta vận động xin tài trợ nhưng mặt khác cũng kiên quyết không phải vốn ODA cho bất kỳ dự án nào cũng nhận. Có những dự án dù cho thì chúng ta cũng không nhận. Chính phủ luôn quan tâm hiệu quả vốn đầu tư. Nâng lên 5,3% là đã tính đến mức trần nợ công.

Câu chuyện thủy điện thì Bộ Công Thương sẽ trả lời nhưng tôi xin nhắc lại tôi đã nói rất rõ tiêu chí của Chính phủ là đầu tiên phải đảm bảo an toàn, lo tái định cư. Sau đó mới tính đến hiệu quả đầu tư. Đối với 2 thủy điện đó, Bộ TNMT phải xét báo cáo đánh giá tác động môi trường và có ý kiến khách quan, trung thực, không chịu bất kỳ ảnh hưởng, sức ép nào. Bộ TNMT đã báo cáo, phân tích và kiến nghị xem xét lại việc này. Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực này đã yêu cầu Bộ Công Thương không chỉ ở mức xem xét lại mà xem xét đưa ra ngoài quy hoạch 2 thủy điện này. Chính phủ rất công khai, không chịu sức ép nào. Nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì tiến hành, nếu không đầy đủ thì không làm.

PV Xuân Linh, Báo điện tử Vietnamnet: Vừa qua tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiết kiệm thực hành, chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước có phản ánh tình trạng, trụ sở của các tỉnh được xây rất to và lãng phí. Hôm nay có rất nhiều ý kiến của Bộ trưởng nêu về việc cân đối thu chi ngân sách, vậy thì trong năm tới khi thắt chặt đầu tư công, những hạng mục như vậy có bị cắt hay không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam: Đầu tư xây dựng cơ bản có rất nhiều yêu cầu. Điều mà nhân dân đồng thuận nhất là đường giao thông, tiếp đến là bệnh viện, trường học. Còn trụ sở của cơ quan công quyền, Chính phủ có nhiều quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí. Tinh thần là chỉ làm những việc thật sự cần thiết. Tôi xin chia sẻ về một hiện tượng mà giờ đây các cơ quan chức năng đã bắt đầu nói và kiến nghị: Do quy hoạch, do định mức hoặc nhiều lý do thì có hiện tượng là cứ xây sau 10, 15 năm lại không dùng được nữa. Trong khi ở các nước tiên tiến khi họ xây dựng một cơ quan công quyền, không chỉ là cơ quan công quyền mà còn là công trình văn hóa, kiến trúc, còn là một di sản vật thể để thưởng lãm. Xét trên góc độ kinh tế, đầu tư một lần là để tiết kiệm lâu dài. Chúng ta phải tiếp thu ý kiến từ nhân dân, từ các nhà khoa học để xây dựng trụ sở nơi làm việc tiết kiệm trên phương diện xây một lần và để lâu dài.

Ở các nước phát triển, nếu chúng ta có điều kiện tới thì đều thấy những khu phố, vỉa hè được làm từ cả trăm năm nay. Ở Hà Nội, nếu ai ở một khu phố 20 năm sẽ chứng kiến cảnh chúng ta đào lên đào xuống rất nhiều lần, số tiền thực hiện sẽ lớn hơn làm một lần thật tốt.

Các cơ quan Chính phủ sẽ tiếp thu để có phương án để các công trình đều làm một lần nhưng có giá trị lâu dài, đó chính là một biện pháp tiết kiệm. Tuy nhiên trong số tiền có ít thì chúng ta phải chọn lựa làm những việc thật sự cần thiết mới làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.