Đầu phiên làm việc tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sáng nay (27-6), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường bộ với 447 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 91,98%).
Trước khi tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định của Bộ luật Hình sự và nhận thấy, Điều 7 dự thảo Luật Đường bộ và Điều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện đầy đủ các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ” tại Điều 261 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Ủy ban đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Để làm rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của từng cấp chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Khoản 4, Điều 8 theo hướng xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của UBND cấp tỉnh và giao UBND cấp tỉnh quy định về việc quản lý đối với các loại đường bộ thuộc địa phương quản lý.
Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung loại hình xe 4 bánh có gắn động cơ vào Khoản 5 và các khoản có liên quan tại Điều 56.
Dự thảo Luật đã quy định loại hình xe hợp đồng và xe du lịch thành loại hình xe hợp đồng do hai loại hình này có đặc điểm, tính chất tương đồng về tổ chức vận tải; có phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và hình thức giao kết hợp đồng giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải tương tự nhau. Khi quy định chung 2 loại hình này thành xe hợp đồng thì vẫn được ưu tiên hoạt động tại các khu vực, điểm du lịch, vận chuyển khách du lịch như quy định hiện hành...
Đối với ý kiến đề nghị quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các quy định cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết theo Khoản 14 Điều này và thực tiễn hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Đối với phí giao thông nội đô, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định, hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị; đồng thời, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Luật Đường bộ được thông qua gồm 6 chương, 86 điều, quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Riêng các quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Điều 42, Điều 43, Điều 50, Khoản 1, Điều 84 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2024.
Về quy định chuyển tiếp, đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này được tiếp tục đầu tư theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày Luật có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 45, Khoản 2 Điều 47 của Luật này và các tuyến đường cao tốc quy định tại Khoản 1 Điều này thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.