Giao thông

Nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thu Hằng 05/10/2023 - 14:06

Ngày 5-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”.

2(2).jpg
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ, Luật Giao thông đường bộ đã được Quốc hội ban hành năm 2008 với phạm vi điều chỉnh rất rộng.

Qua quá trình thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần thiết phải sửa đổi, điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Bảo, hiện nay, việc sử dụng tạm thời đường đô thị để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các sự kiện chính trị diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, hè phố đang thực hiện rất nhiều chức năng và các hoạt động trên hè phố diễn ra rất đa dạng… Do vậy, vấn đề quản lý, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông cần phải được đưa vào quy định để quản lý. Do vậy, đề nghị bổ sung vào điều 40 của dự thảo luật nội dung: “Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông do UBND cấp tỉnh quy định đối với hệ thống đường địa phương nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”.

Do diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu, để giải quyết nhu cầu đỗ xe tạm thời trước mắt, Sở Giao thông Vận tải đề nghị bổ sung trong điều 40 của dự thảo Luật Đường bộ nội dung Quy định sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

Đây là 2 nội dung cụ thể mà thành phố đang khó khăn, vướng mắc, cần thiết phải được quy định trong Luật Đường bộ để có cơ sở triển khai thực hiện.

4-2-ok.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội Đào Việt Long cho biết, hiện nay có một số người tham gia giao thông (chủ yếu là trẻ em, người chưa thành niên) sử dụng xe điện 2 bánh tự cân bằng, xe trượt Scooter (loại có điện hoặc không có điện), vali điện có thể di chuyển để tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa phân loại, chưa điều chỉnh đối với đối tượng này nên cần nghiên cứu đưa đối tượng này vào Luật.

Tại khoản 3 Điều 51 quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô. Công an thành phố đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, cần khoanh vùng đối tượng cụ thể, quy định tập trung vào các đối tượng như sau: Lái xe là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), lái xe ô tô vận tải, người lái xe có tiền sử bệnh nền, nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác.

Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao hoan nghênh các ý kiến đóng góp hết sức sâu sắc, tâm huyết và cho biết Liên hiệp Hội Hà Nội sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.