Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua 8 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp trong xây dựng Đảng

An Trân| 13/01/2010 06:28

(HNM) - Ngày 12-1, trong ngày làm việc thứ hai, Hội nghị lần thứ 18 BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XIV đã dành thời gian thảo luận về công tác xây dựng Đảng năm 2009, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2010 và Báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy năm 2009. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã có bài phát biểu quan trọng kết luận Hội nghị.


Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng

Đánh giá về công tác Đảng năm 2009, dự thảo báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị đều thống nhất, năm qua mặc dù phải triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất trong điều kiện có nhiều khó khăn, thử thách, song bên cạnh việc chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, Thành ủy Hà Nội đã tích cực triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác xây dựng Đảng. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tiếp tục được triển khai sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trong khâu đột phá là công tác cán bộ, năm qua, đã có 57 cán bộ là lãnh đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị thuộc TP được luân chuyển, nhận nhiệm vụ bí thư, phó bí thư cấp ủy và phó chủ tịch các quận, huyện, thị xã và ngược lại.

Bí thư Quận ủy Long Biên Trần Văn Thanh nhận định, 2009 là năm thành công trong việc luân chuyển, sử dụng cán bộ và các cán bộ khi về cơ sở đã thực sự phát huy được hiệu quả. Đồng chí cũng cho rằng, để nâng cao sự đồng đều giữa các quận, huyện, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các đơn vị trong những năm tới cần khắc phục tính vùng miền trong luân chuyển, điều động cán bộ. Đồng tình với nhận định trên, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Khuất Văn Thành đề nghị cần mạnh dạn hơn nữa trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, đặc biệt là điều chuyển ngang giữa các xã, phường, thị trấn. Về vấn đề này, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Trần Huy Sáng gợi mở, cần đặc biệt quan tâm tới đội ngũ CSKV vì họ là những người nắm rõ nhất địa bàn quản lý và nếu có sự phối hợp tích cực của lực lượng này, công tác xây dựng củng cố chính quyền, vận động quần chúng ở địa phương chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao. Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Thành ủy Trần Trọng Dực, bên cạnh công tác đào tạo cán bộ ở địa phương, TP cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và kịp thời phát hiện những yếu kém. Trong năm qua, UBKT các cấp đã kiểm tra 634 tổ chức đảng cấp dưới, từ đó đã phát hiện các sai phạm như một số quận, huyện chưa thành lập đảng bộ cơ quan, có đảng bộ cả năm không kết nạp được đảng viên mới, cá biệt có đảng viên 5 năm không sinh hoạt nhưng vẫn là đảng viên.

Nỗi lo chi bộ nông thôn và khu vực ngoài quốc doanh

Các đại biểu thông qua Nghị quyết Hội nghị.Ảnh: Bá Hoạt


Nhất trí với đánh giá công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số bộ phận cấp ủy và một bộ phận đảng viên còn mờ nhạt; chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình trong Đảng ở khu vực nông thôn và ngoài quốc doanh còn hạn chế, các đại biểu đã đi sâu phân tích, làm rõ hạn chế nêu trên. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân bày tỏ lo ngại khi chất lượng sinh hoạt, tự phê bình và phê bình trong Đảng ở khu vực nông thôn hiện nay đang bộc lộ nhiều yếu kém. Đồng chí đề nghị cần coi việc củng cố tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở chi bộ nông thôn là một trọng tâm trong công tác Đảng năm tới của các quận, huyện ủy. Cùng chung mối quan tâm này, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Đinh Mạnh Tuân đã nêu lên thực trạng đáng lo ngại khi công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn hiện rất khó khăn. Đáng tiếc hơn, có những trường hợp đã được kết nạp Đảng, nhất là những thanh niên ưu tú đã được kết nạp trong thời gian nhập ngũ, khi về quê hương do nhu cầu mưu sinh phải đi xa, không sinh hoạt thường xuyên nên đành phải xin ra khỏi Đảng.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất Hà Nội Nguyễn Xuân Chính cho rằng, không chỉ mờ nhạt, kém hiệu quả như dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng đã nêu mà hiện nay ở các KCN thực ra đang "trắng" tổ chức cơ sở đảng. Đồng chí dẫn chứng, tại KCN Nội Bài hiện có gần 100 doanh nghiệp nhưng chi bộ cuối cùng cũng vừa phải giải thể vì không đủ số lượng đảng viên để sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ chức Công đoàn hay Đoàn Thanh niên cũng rất khó khăn. Là một lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao, số lượng công nhân nhiều, thời gian tới Hà Nội cần quan tâm hơn tới công tác này.

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 18 BCH Đảng bộ TP Hà Nội Khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã nhất trí thông qua 8 nhiệm vụ trọng tâm và 6 giải pháp chủ yếu trong công tác Đảng năm 2010. Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần thực hiện tốt trong năm 2010.

Trước mắt, từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Dần, Bí thư Thành ủy yêu cầu cùng với việc tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với tinh thần mọi công việc phải được triển khai tích cực ngay từ những tháng đầu, ngày đầu, các cấp, các ngành cần chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, tinh thần phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm...

8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng

- Chuẩn bị nội dung và công tác nhân sự, bảo đảm lựa chọn đội ngũ cán bộ ưu tú, có đạo đức, phẩm chất, năng lực công tác tốt để tham gia cấp ủy khóa mới, thực hiện có hiệu quả các chủ trương đại hội thí điểm do TƯ chỉ đạo.
- Đẩy mạnh thực hiện hoàn thành các công trình, dự án, chương trình hoạt động để tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các hoạt động chào mừng 80 năm Ngày thành lập Đảng, 120 năm Sinh nhật Bác.
- Đổi mới nội dung công tác tuyên truyền, đẩy mạnh việc triển khai bước 2 CVĐ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
- Thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ để tạo bước đột phá thực sự; đổi mới mạnh mẽ nhận thức và cách thức thực hiện tất cả các khâu của công tác cán bộ...
- Củng cố, kiện toàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng...
- Triển khai toàn diện các nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với thực hiện cải cách hành chính...
- Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác, lề lối làm việc, phương pháp chỉ đạo, điều hành trên tinh thần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ phê bình và tự phê bình...
- Nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung nghị quyết đại hội đảng ở địa phương, đơn vị để xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch công tác cụ thể, sát với thực tiễn sau khi tổ chức thành công đại hội đảng các cấp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua 8 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp trong xây dựng Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.