Sáng 6-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười bốn, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND và các đại biểu HĐND thành phố khóa XVII.
Bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người 160,8-162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%...
Mục tiêu tổng quát được nêu trong Nghị quyết là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số: PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt.
Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển".
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Các tổ đại biểu HĐND thành phố đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng về lĩnh vực kinh tế - xã hội với 40 lượt phát biểu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho rằng, vừa qua các doanh nghiệp rời khỏi thị trường có xu hướng tăng, doanh nghiệp giải thể tăng 15%... cho thấy cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và của Thủ đô nói riêng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu mong muốn thành phố có thêm nhiều giải pháp hơn nữa, cho thấy sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, thể hiện Thủ đô gương mẫu đi đầu nâng cao chỉ số phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Về quy hoạch, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng nên có những công ty tư vấn có tiếng ở nước ngoài tham gia; xây dựng đô thị hài hòa giữa xưa và nay, tạo sự đặc sắc cho Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ đại biểu huyện Quốc Oai) mong muốn thành phố làm rõ hơn các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có xu hướng thu hẹp sản xuất, ngoại trừ các ngành công nghệ thông tin, du lịch...
Nhìn chung, doanh nghiệp có xu thế “nín thở” để xem xét thị trường vì bối cảnh chung là nhu cầu tiêu dùng giảm - đại biểu nói.
Các doanh nghiệp không chỉ mong muốn giảm lãi suất mà cần những chính sách hỗ trợ nhìn thấy ngay để vượt qua khó khăn. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Lan Hương mong muốn thành phố xem xét, thúc đẩy Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức kết nối những sản phẩm trọng điểm của thành phố.
Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất
Thay mặt UBND thành phố tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đại biểu HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Thành phố đang tích cực triển khai 3 nội dung quan trọng gồm xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu); lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Những nội dung đặc biệt quan trọng này có ý nghĩa kiến tạo không gian phát triển mới, đồng thời xây dựng thể chế đồng bộ, vượt trội, đặc thù, tạo điều kiện thực hiện các giải pháp huy động tối đa mọi nguồn lực, động lực để xây dựng Thủ đô theo hướng bền vững.
UBND thành phố tiếp tục nắm chắc tình hình, có kế hoạch và giải pháp chủ động ứng phó với các yếu tố khách quan, tình huống đột xuất, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ đề ra; chủ động nâng cao chất lượng công tác dự báo để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội phù hợp. Thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp xúc, đối thoại; thực hiện hiệu quả Kế hoạch nâng cao các chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Cùng với các nội dung đã tiếp thu, giải trình, UBND thành phố xác định ngoài vấn đề về thể chế, hạ tầng thì yếu tố con người là quyết định.
Trong thời gian tới, song hành với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra, UBND thành phố tiếp tục chú trọng hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đột phá vì lợi ích chung, vì công việc chung, với quan điểm xuyên suốt “Chọn đúng người - trao niềm tin - cho điểm tựa - đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng”; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.