Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống nhất lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở: Yêu cầu từ thực tiễn

Mai Hữu - Triệu Dương| 15/07/2020 06:27

(HNM) - Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế đãi ngộ đối với các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã không chuyên trách còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc thực thi nhiệm vụ. Vì thế, việc thống nhất quản lý, tổ chức các lực lượng trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tăng sức mạnh cho lực lượng tham gia hỗ trợ an ninh, trật tự tại cơ sở là yêu cầu từ thực tiễn.

Công an, bảo vệ dân phố phường Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) nắm bắt thông tin địa bàn từ người dân. Ảnh: Tiến Thành

Nhiều bất cập trong quản lý

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có gần 4.000 bảo vệ dân phố, hơn 2.500 công an xã không chuyên trách và gần 29.000 đội viên dân phòng... Từ thực tế địa phương, Chủ tịch UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) Lê Khánh Giang cho biết, từ năm 2019 đến nay, có hơn 1.500 lượt đội viên bảo vệ dân phố, dân phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, gần 1.500 tin báo về an ninh, trật tự đã được lực lượng này cung cấp, xử lý ban đầu, giúp địa phương kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, không để trở thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự...

Cũng như phường Đồng Tâm, đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có nhiều đóng góp tích cực trong bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh. Ông Lê Tấn Trường, Tổ viên Tổ Bảo vệ dân phố phố Pin Văn Điển (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) nêu thực trạng, tổ có 5 tổ viên thì người ít tuổi nhất cũng gần 60, cao tuổi nhất là 75. Còn ông Trần Đức Nhượng, Trưởng ban Bảo vệ dân phố thị trấn Văn Điển đánh giá, 43 tổ viên của Ban phần lớn tuổi đã cao nên sức khỏe không bảo đảm để thực thi nhiệm vụ.

Thực trạng trên không chỉ diễn ra ở lực lượng bảo vệ dân phố mà còn là tình hình chung của lực lượng dân phòng, công an xã không chuyên trách. Lý giải nguyên nhân, ông Trần Văn Bính, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2 (quận Hoàng Mai) cho rằng, chế độ đãi ngộ hiện chưa thực sự khuyến khích người trẻ tuổi tham gia công tác; việc trang bị phương tiện làm việc sơ sài, thiếu thốn.

Theo Trung tá Tạ Huy Giang, Trưởng Công an xã Tiền Phong (huyện Thường Tín), nhiều người trong lực lượng công an xã không chuyên trách xin nghỉ do công việc nhiều mà chế độ đãi ngộ không tương xứng. “Công an xã chính quy chỉ được bố trí 6 cán bộ, chiến sĩ, nếu thiếu công an xã không chuyên trách sẽ gây khó khăn cho việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn”, Trung tá Tạ Huy Giang nói.

Đáng chú ý, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy, pháp luật hiện hành chỉ nêu về “Đội dân phòng” theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy với ý nghĩa, nhiệm vụ là “tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh, trật tự ở nơi cư trú”. Điều này đã dẫn đến số lượng, cách thức hoạt động, tổ chức bộ máy và trang phục, chế độ phụ cấp... cho lực lượng dân phòng mỗi nơi mỗi khác, chưa có quy định chung.

Ban Bảo vệ dân phố thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Tiến Thành

Chủ trương phù hợp thực tiễn

Vừa qua, Bộ Công an công bố, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo luật điều chỉnh theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã không chuyên trách thành một lực lượng, được bố trí thống nhất trên địa bàn xã, phường, thị trấn toàn quốc.

Đồng tình với dự thảo luật, Thượng tá Thành Kiên Trung, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, đây là cơ hội sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, tinh gọn đầu mối, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

“Việc thống nhất sẽ tăng sức mạnh cho lực lượng tham gia hỗ trợ bảo đảm an ninh, trật tự, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại cơ sở”, Thượng tá Thành Kiên Trung đánh giá.

Mặt khác, Thượng tá Thành Kiên Trung cho rằng, việc thống nhất 3 lực lượng sẽ khắc phục bất cập hiện nay khi người dân khó phân biệt tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục, phạm vi hoạt động… của các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố số 4 (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) cho rằng, việc thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là cần thiết, tuy nhiên cần có đãi ngộ tốt hơn. Đồng thời, việc bố trí trang thiết bị, phương tiện làm việc theo hướng chính quy sẽ là nguồn động viên lớn để họ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ…

Về cơ chế thu hút, trẻ hóa đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã không chuyên trách, Bí thư Đoàn Thanh niên xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Trần Văn Thụ nêu quan điểm, cần có cơ chế thiết thực để huy động bộ đội xuất ngũ, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân về địa phương trở thành nòng cốt của đội dân phòng, công an xã không chuyên trách. Phương án trên giúp thanh niên dù ra quân nhưng vẫn phát huy tốt nghiệp vụ tích lũy trong thời gian tại ngũ, nhờ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn tại Hà Nội, việc thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã không chuyên trách sẽ giúp lực lượng này đóng góp hiệu quả hơn vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở: Yêu cầu từ thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.