Luận đàm thời sự

Thời khắc quyết định

Đại sứ Trần Đức Mậu 13/02/2024 - 07:13

Khi cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ mới chỉ vừa bắt đầu, dân chúng ở trong và thế giới bên ngoài nước Mỹ không thể loại bỏ dự cảm về sự lặp lại của kịch bản kết quả bầu cử năm 2000.

Ngày 12-12 năm ấy, Tòa án Tối cao Mỹ đã phán quyết rằng việc kiểm phiếu bằng tay ở bang Florida là bất hợp hiến. Nhờ phán quyết này, ông George W.Bush thuộc đảng Cộng hòa trở thành tổng thống thứ 43 của nước Mỹ cho dù, như sự thật sau này chứng minh, nếu kiểm phiếu bầu bằng tay đến cùng thì ông Al Gore thuộc đảng Dân chủ mới là người thắng cử.

Nước Mỹ vốn luôn tự tuyên truyền rùm beng về mô hình "tam quyền phân lập", nhưng trên thực tế lại là điển hình cho cả thế giới về việc hệ thống tư pháp, đặc biệt là Tòa án Tối cao, làm chính trị. Tòa án này có 9 thành viên, do tổng thống đương nhiệm đề cử và là thành viên của tòa đến tận cuối đời hoặc cho đến khi từ chức. Vì thế, các tổng thống đương nhiệm của Mỹ luôn tận dụng cơ hội khi thành viên đương nhiệm qua đời hoặc từ chức để đề cử thành viên mới thuộc cùng phe cánh chính trị thay thế. Bằng cách này, các tổng thống bảo đảm quan điểm, đường hướng chính trị của mình và phe cánh chính trị tiếp tục được duy trì sau khi không còn cầm quyền nữa.

Ông Donald Trump cầm quyền 4 năm và đã cài được 3 người của mình vào số 9 thành viên hiện tại của Tòa án Tối cao, giúp cho phe đảng Cộng hòa có được ưu thế đa số 6/3. Cho nên mọi phán quyết của tòa này dường như chắc chắn đều có lợi đối với ông Trump và phe đảng Cộng hòa.

Tòa này giờ phải quyết định việc ông Trump có được ứng cử tổng thống hay không sau khi Tòa án Tối cao hai bang Colorado và Maine không cho ông Trump ra ứng cử tổng thống ở đó vì "nổi loạn chống hiến pháp" ngày 6-1-2021. Vụ việc được chuyển lên Tòa án Tối cao liên bang. Ông Trump luôn cáo buộc phe đảng Dân chủ và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden "chính trị hóa tư pháp" và dùng các phiên tòa để "truy sát chính trị mình".

Nhưng chỉ riêng phiên tòa ở Tòa án Tối cao liên bang lại khiến cho ông Trump hài lòng. Qua đó đủ để thấy ngay từ khi phiên tòa mới bắt đầu ông Trump đã chắc thắng như thế nào. Cho nên mới nói, khi Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu thụ lý vụ việc thì cũng là thời khắc quyết định đối với cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.

Tòa này sẽ không để cho ông Trump bị thua khi sẽ không phán xét bản chất vụ "nổi loạn chống hiến pháp" ngày 6-1-2021 để tránh không phán quyết về vai trò của cá nhân ông Trump trong vụ việc ấy. Tòa cũng sẽ không phán quyết cụ thể về ông Trump có thể ứng cử tổng thống hay không bởi không muốn để ông Trump bị thua kiện nhưng đồng thời cũng không thể giúp ông Trump thắng kiện. Nếu xử thắng cho ông Trump, tòa này sẽ bị mất lòng tin ở đại đa số dân chúng Mỹ. Vì thế, tòa này sẽ lách theo hướng "không phân định mà như đã phân định".

Cụ thể, tòa này sẽ phán xét về các bang có quyền quyết định riêng về ứng cử viên tổng thống Mỹ hay không với phán quyết cuối cùng là không và rồi đẩy quyết định cuối cùng cho Quốc hội trong nhận thức chắc chắn rằng hạ viện Mỹ do phe đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ không cản đường ông Trump trở lại Nhà Trắng. Ông Trump phấn khích và hài lòng cũng vì thế, bởi sự thất vọng của bộ phận cử tri không ủng hộ ông Trump về phán xử của tòa không chuyển biến thành nhiều lá phiếu bầu ông Biden hơn, trong khi bộ phận cử tri trung thành với ông Trump càng quyết tâm và đồng lòng đưa ông Trump trở lại cầm quyền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời khắc quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.