(HNM) - Ngày 8-4-2021, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Điều 10 của thông tư quy định rõ quy trình giám định tư pháp.
Theo đó, cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có trách nhiệm tiếp nhận trưng cầu giám định kèm theo hồ sơ, đối tượng trưng cầu để thực hiện giám định, trừ trường hợp được quyền từ chối giám định, trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định.
Khi tiếp nhận đối tượng cần giám định, tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có) trong tình trạng niêm phong thì trước khi mở phải kiểm tra niêm phong. Quá trình mở niêm phong phải có mặt người thực hiện giám định; người trưng cầu giám định và người chứng kiến (nếu có). Mọi thông tin, diễn biến liên quan đến quá trình mở niêm phong phải được ghi vào biên bản và có chữ ký xác nhận của các bên tham gia, chứng kiến theo mẫu.
Ngoài ra, theo Điều 10 của thông tư này, thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải tối đa là 3 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa theo quy định tại khoản này.
Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1-6-2021 và bãi bỏ Thông tư số 33/2014/TT-BGTVT ngày 8-8-2014.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.