Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời gian tới, thị trường chứng khoán diễn biến ra sao?

Hương Thủy| 30/09/2022 16:45

(HNMO) - Tròn một tuần lãi suất tăng, trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index giảm tổng cộng hơn 80 điểm. Theo nhận định của một số chuyên gia, định giá thị trường đã về mức hấp dẫn trong nhiều năm, dư địa giảm của thị trường không còn nhiều, trừ khi xuất hiện những cú sốc lớn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Diễn biến thị trường ngày 30-9.

VN-Index "bốc hơi" hơn 80 điểm

Không lâu sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, ngày 23-9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng 1% lãi suất đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó, lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5% và trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5% lên 6%.

Thị trường chứng khoán trong nước ngay lập tức chịu tác động trong bối cảnh dòng tiền sẽ san sẻ cho kênh tiền gửi tiết kiệm và doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn khi tăng chi phí vốn đầu vào, bởi về mặt lý thuyết, tăng lãi suất điều hành sẽ có tác động cùng chiều với lãi suất tiền gửi, sau đó là lãi suất cho vay. Ngay trong phiên ngày 23-7, VN-Index giảm hơn 11 điểm, xuống mức 1.203,28 điểm.

Đặc biệt, ngày 24-9, chỉ số VN-Index giảm tới gần 30 điểm, tuột xa mốc 1.200 điểm. Chịu ảnh hưởng nhất từ thông tin tăng lãi suất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm mạnh trong những phiên trên.

Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau thị trường tiếp tục đi xuống. Đáng chú ý, phiên sáng ngày 29-9, thị trường diễn biến tích cực khi có thời điểm chỉ số chung tăng hơn 10 điểm, lên mức 1.160 điểm nhờ thị trường chứng khoán quốc tế hồi phục, GDP quý III-2022 được công bố tăng hơn 13%.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư bi quan bởi nhiều người thua lỗ lớn khiến thị trường sau đó giảm mạnh, VN-Index đóng cửa tại mức 1.126 điểm, giảm 17,5 điểm (-1,53%), rơi xuống thấp nhất kể từ tháng 2-2021 đến nay. Sau 5 phiên giảm liên tiếp, ngày cuối cùng của tháng 9 (30-9), chỉ số chung của thị trường đảo chiều tăng 6,04 điểm, lên mức 1.132,11 điểm. Như vậy, tròn 1 tuần tăng lãi suất, chỉ số VN-Index giảm tổng cộng hơn 80 điểm. Cùng với chỉ số chung giảm, thanh khoản trên thị trường ở mức thấp.

Ông Trần Xuân Bách, Trưởng phòng Phân tích thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhìn nhận, ngoài lãi suất trong nước tăng, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ yếu tố của thị trường chứng khoán quốc tế trong bối cảnh Fed tăng lãi suất. Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường cũng bị tác động bởi room tín dụng (giới hạn cho vay của một ngân hàng). Tín dụng hạn chế, đặc biệt là với lĩnh vực bất động sản, đã tác động mạnh đến thị trường.

Thận trọng nhưng không bi quan về triển vọng thị trường

Dự báo về thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Trần Xuân Bách cho rằng, trong ngắn hạn, có vẻ như thị trường vẫn đang phản ánh việc mặt bằng lãi suất tăng cũng như lo ngại sự ảnh hưởng của thị trường thế giới.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước tương đối tốt (duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát vẫn được kiểm soát); lợi nhuận quý III-2022 của nhiều doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 sẽ là những yếu tố hỗ trợ thị trường. Dư địa giảm của thị trường không còn quá nhiều. VN-Index sau khi xuống dưới vùng đáy cũ 1.140 điểm sẽ có sự cân bằng và hồi phục dần trở lại vào nửa cuối quý IV-2022.

"Từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam xét về nội tại vẫn có điểm tích cực nhưng chịu áp lực từ thị trường thế giới nên thông tin tốt - xấu đan xen, thị trường sẽ tạo được sự cân bằng trong vùng 1.100-1.250 điểm", vị chuyên gia này dự báo.

Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT duy trì quan điểm thận trọng nhưng không bi quan đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Việc thận trọng giai đoạn này là cần thiết trong bối cảnh Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát. Mặt bằng lãi suất tăng có thể khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng chậm lại, đồng thời, làm gia tăng chi phí cơ hội.

Nhà đầu tư sẽ tiếp tục duy trì sự thận trọng đối với các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản. Do đó, khó có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá của dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm.

Tuy vậy, những yếu tố tiêu cực về việc Fed tăng lãi suất cũng đã phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Theo đó, định giá thị trường đã về mức hấp dẫn trong nhiều năm với chỉ số P/E VN- Index (một trong những yếu tố thể hiện triển vọng của thị trường chứng khoán của Việt Nam) hiện ở mức 12,6 và cuối năm 2022 ở mức khoảng 11,2.

Đây là mức định giá thấp nhất trong nhiều năm và gần tương đương với đáy giai đoạn Covid-19. Vì vậy, dư địa giảm cũng không còn nhiều, trừ khi xuất hiện những cú sốc lớn trên thị trường tài chính toàn cầu như khủng hoảng kinh tế.

"Chúng tôi kỳ vọng, chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.165-1.350 điểm trong những tháng cuối năm. Những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ cho nhà đầu tư. Hiện nay, mặt bằng giá rất thấp, có cơ sở để thấy tích lũy tài sản lúc này là thích hợp", ông Đinh Quang Hinh nói.

Còn ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận, thời điểm này, cơ hội giải ngân để đầu tư dài hạn là khá tốt nhưng cơ hội này chỉ dành cho nhà đầu tư trường vốn, không phù hợp với nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là với nhà đầu tư thích "lướt sóng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời gian tới, thị trường chứng khoán diễn biến ra sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.