Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thỏa thuận mức thuế hợp lý: Chấp nhận chung chi?

Hương Ly| 11/08/2015 06:37

(HNM) - Theo báo cáo


Mặc dù số thu từ khu vực HKD chỉ chiếm 2% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), song sự thiếu minh bạch trong công tác thu ngân sách tại khu vực này có thể coi là một "mảng tối", ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh. Tăng cường minh bạch thông qua sự giám sát của người dân và chính quyền địa phương, qua đó hạn chế tham nhũng tại khu vực HKD là thông tin được Tổng cục Thuế công bố tại cuộc họp báo chiều 10-8.

Bất cập từ phương pháp khoán?

Ngay sau khi Báo cáo "Nguy cơ tham nhũng trong khu vực HKD Việt Nam" do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES), thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được công bố, những bất cập trong công tác thu thuế với HKD đã lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Tại cuộc họp báo chuyên đề do Tổng cục Thuế tổ chức chiều 10-8 tại Hà Nội, ngành thuế cho biết đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư 92/2015/TT-BTC nhằm hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với các HKD. Ngay trong năm 2015, HKD nộp thuế theo phương pháp khoán, có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp thuế theo tỷ lệ doanh thu, tùy theo ngành nghề kinh doanh.

Các hộ chỉ khai thuế 1 lần/năm, nộp thuế 4 lần/năm và không phải quyết toán thuế cuối năm thay vì phải nộp thuế theo phương pháp doanh thu trừ đi chi phí, các khoản giảm trừ và phải quyết toán thuế cuối năm (nếu có nhiều nguồn thu nhập hoặc được hoàn thuế) như trước đây. Hằng tháng, căn cứ tình hình biến động trong hoạt động của HKD, sự thay đổi của chính sách làm ảnh hưởng tới doanh thu khoán thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh bổ sung và thông báo lại tiền thuế phải nộp trong quý, trong tháng cho cá nhân nộp thuế khoán. Từ năm 2016, doanh thu theo hóa đơn của HKD được xác định ngoài doanh thu khoán và khai nộp thuế theo từng quý để ngăn ngừa việc lợi dụng và sử dụng hóa đơn của HKD để hợp thức hóa chứng từ đầu vào làm chi phí của DN; hoặc sử dụng làm chứng từ đầu ra của đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhằm chiếm đoạt tiền thuế thu nhập DN hoặc tham nhũng.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Thuế TNCN (Tổng cục Thuế) cho biết, theo quy định Thông tư 92, sẽ công khai danh sách cá nhân sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế và bảng công khai thông tin cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Bảng thông tin này gồm thông tin về doanh thu khoán và mức thuế khoán của HKD sẽ do cơ quan thuế tính. Đồng thời, bảng công khai thông tin với những số liệu chi tiết về HKD có cùng địa bàn và ngành nghề kinh doanh sẽ được niêm yết thành 2 đợt (dự kiến và chính thức) tại các ban quản lý chợ, chi cục thuế quận, huyện, UBND xã, phường... Các tài liệu niêm yết cũng sẽ được gửi tới Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp để tăng cường giám sát cơ quan thuế và cả HKD trong quá trình xác định mức thuế khoán và tổ chức thực hiện.

Kiểm tra 100% HKD thuộc diện rủi ro cao về thuế

Với những hướng dẫn mới tại Thông tư 92, việc giám sát, quản lý thu thuế với HKD sẽ do rất nhiều đơn vị cùng thực hiện và được công khai tại nhiều địa điểm. Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới về việc liệu quy trình giám sát mới có giảm được nguy cơ tham nhũng và chống thất thu ngân sách trong khu vực HKD hay không (?), bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, hiện số thu từ khu vực HKD chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng thu NSNN hằng năm. Thông tư 92 ra đời không vì mục đích làm tăng thu ngân sách tại khu vực này mà mục tiêu cuối cùng hướng tới là tăng tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Thậm chí tới đây, số thu từ khu vực HKD sẽ giảm xuống do ngành thuế sẽ siết chặt việc sử dụng hóa đơn tại khu vực này để hạn chế tình trạng các DN sử dụng hóa đơn của khu vực này để trốn thuế.

Bên cạnh việc tăng cường giám sát cơ quan thuế và cả các HKD, Thông tư 92 cũng sẽ tăng cường vai trò của các cục thuế địa phương trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát Chi cục Thuế. Trong đó, các chi cục thuế sẽ phải kiểm tra thực tế ít nhất 15% số HKD trên địa bàn, trong đó kiểm tra 100% HKD thuộc diện có độ rủi ro cao về thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến nay, đã có 98% DN thuộc diện quản lý thuế thực hiện khai thuế qua internet. Nhiều địa bàn đã đạt tỷ lệ 100% DN khai thuế qua mạng. Ngành thuế cũng đã ký kết thỏa thuận với 27 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước với 301.993 DN tham gia. Tính đến thời điểm hiện nay, ngành thuế đã giảm được 420/537 giờ nộp thuế của DN, đạt chỉ tiêu giảm số giờ nộp thuế xuống mức 121,5 giờ theo mục tiêu của Chính phủ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận mức thuế hợp lý: Chấp nhận chung chi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.